Đây là hình ảnh của bãi rác lớn nhất Trung Quốc. Bãi rác khổng lồ này đang bị quá tải vì hết chỗ chứa. Bãi rác Jiangcungou lớn ngang 100 sân bóng ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây hết chỗ chứa trước thời hạn 25 năm.
Công nhân tại bãi rác Jiangcungou, thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Ảnh: China Daily.
Jiangcungou là bãi rác lớn nhất Trung Quốc, được thiết kế và xây dựng vào năm 1994 để có thể chứa rác thải tới năm 2044. Theo ước tính ban đầu, Jiangcungou sẽ tiếp nhận 2.500 tấn rác mỗi ngày, nhưng con số thực tế đã lên tới 10.000 tấn.
Bãi rác phục vụ hơn 8 triệu dân, có diện tích 700.000 mét vuông, sâu 150 m và có thể chứa hơn 34 triệu m khối rác thải. Tây An là một trong số ít thành phố ở Trung Quốc chỉ có phương án xử lý rác thải duy nhất là chôn lấp, dẫn đến việc Jiangcungou hết chỗ chứa sớm hơn dự định 25 năm.
Thành phố này hồi đầu tháng mở một lò đốt rác thải sinh hoạt và dự kiến đưa ít nhất 4 lò khác đi vào hoạt động năm 2020. Các dự án này được kỳ vọng có thể xử lý 12.750 tấn rác thải.
Động thái này là một phần trong kế hoạch quốc gia nhằm làm giảm số lượng bãi rác chôn lấp và chuyển sang sử dụng các phương pháp xử lý chất thải khác như thiêu hủy. Bãi rác ở thành phố Tây An được hy vọng trở thành một "công viên sinh thái" sau này.
Năm 2017, Trung Quốc đã thu gom 215 triệu tấn chất thải sinh hoạt gia đình, tăng 63 triệu tấn so với 10 năm trước. Trong đó, 120 triệu tấn được chôn lấp và 84 triệu tấn bị thiêu hủy. Quốc gia đông dân nhất thế giới hiện có 654 bãi rác chôn lấp và 286 lò đốt rác.
Trung Quốc là quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, vốn được cho là một trong những nguyên nhân chính gây nên hiện tượng nóng lên toàn cầu. Nước này đã liên tiếp phát động chiến dịch bảo vệ môi trường và hiện đại hóa nền kinh tế nhằm giảm khí thải và làm sạch môi trường.
Thượng Hải, thành phố đông dân nhất Trung Quốc, đã đi đầu về việc đưa ra những phát kiến trong cuộc chiến chống rác thải, trong đó yêu cầu người dân phải tự phân loại rác nếu không muốn bị phạt.