Một cô gái 24 tuổi bị suy dinh dưỡng nặng, chỉ cao 1,35 m, nặng hơn 20 kg, sau khi suốt 5 năm liền gần như chỉ ăn cơm với ớt để dồn tiền chăm em trai bị bệnh, khiến nhiều người cũng chỉ trích chính quyền vì đã không biết đến gia cảnh của Wu và giúp đỡ cô sớm hơn.
Wu, nữ sinh ở tỉnh Quý Châu, Trung Quốc hồi đầu tháng nhập viện với triệu chứng khó thở. Các bác sĩ xác định Wu bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng, chỉ cao 1,35 m, nặng hơn 20 kg và gặp các vấn đề về tim, thận do ăn uống thiếu thốn suốt 5 năm liền.
Wu cho biết cô mất mẹ từ năm 4 tuổi, còn cha cũng qua đời khi cô đang trong tuổi đi học. Cô và em trai ban đầu sống cùng bà, sau đó được chú và dì hỗ trợ 300 tệ (42 USD) mỗi tháng.
Tuy nhiên, hầu hết số tiền ít ỏi đó đều đổ vào việc chữa bệnh cho người em trai bị tâm thần của Wu. Mỗi ngày, cô chỉ sống với 2 tệ (0,3 USD), chủ yếu ăn cơm với ớt.
Wu Huayan tại bệnh viện. Ảnh: Kerry Allen/ Twitter
Hoàn cảnh của Wu đã gây sốc cho công chúng Trung Quốc sau khi câu chuyện về cô xuất hiện trên truyền thông hồi đầu tuần. Nhiều người cũng chỉ trích chính quyền vì đã không biết đến gia cảnh của Wu và giúp đỡ cô sớm hơn.
Quý Châu là một trong những tỉnh nghèo nhất ở Trung Quốc. Cảm thương Wu, nhiều nhà hảo tâm đã quyên góp giúp cô với tổng số tiền hiện đã lên tới gần một triệu tệ (115.000 USD).
Một người trên mạng xã hội Weibo nhận xét hoàn cảnh của Wu còn "tệ hơn người tị nạn ở Afghanistan". Mọi người cũng bày tỏ sự cảm phục với nghị lực của Wu khi vừa chăm em bị bệnh vừa tiếp tục việc học ở trường.
Ngoài các nhà hảo tâm trên mạng, các giáo viên và bạn học của Wu cũng quyên góp được 40.000 tệ (5.700 USD), trong khi người dân địa phương hỗ trợ cô 30.000 tệ. Giới chức đã ra một thông cáo cho hay Wu được nhận khoản trợ cấp tối thiểu khoảng 300-700 tệ mỗi tháng của chính phủ và đang tiếp nhận một khoản cứu trợ khẩn cấp 20.000 tệ.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi trường hợp của cô gái hiền lành và mạnh mẽ này", Phòng Nội vụ thành phố Đồng Nhân, tỉnh Quý Châu, cho biết. "Chúng tôi sẽ tích cực hợp tác với các bộ phận liên quan khác để giải quyết vấn đề".
Câu chuyện của Wu gợi nhớ về cậu bé Trung Quốc đi bộ đến trường với đầu tóc đóng băng năm 2018. Cậu bé được gọi là "Tiểu Vương" đã nhận được tiền quyên góp từ khắp thế giới sau khi nhiều người bày tỏ xót xa trước hoàn cảnh của em và nể phục cách em vượt khó vươn lên.
Dù kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh trong những thập kỷ gần đây, tình trạng đói nghèo vẫn tồn tại và bất bình đẳng ngày càng lớn. Trung Quốc cam kết xóa bỏ đói nghèo vào năm 2020, tuy nhiên Cục Thống kê Quốc gia cho biết năm 2017, có 30,46 triệu người ở nông thôn vẫn sống dưới mức đói nghèo với 1,9 USD một ngày.
Nước này cũng đã chuyển từ tình trạng bất bình đẳng ở mức vừa phải vào năm 1990 thành một trong những quốc gia bất bình đẳng nhất trên thế giới, theo báo cáo năm 2018 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.