Hoài Linh sợ hình ảnh bị nhàm chán. Danh hài luôn muốn làm mới bản thân. Hiện tại Hoài Linh đang điều trị bệnh rối loạn tiền đình.
- Vì sao một năm qua, anh vắng mặt trong nhiều chương trình?
- Một thời gian tôi vắt sức tham gia các game show để hoàn thành tâm nguyện kiếm tiền dựng nhà thờ tổ. Khi công trình hoàn thành, tôi cần có thời gian nghỉ ngơi, dưỡng sức. Với lại, tôi sợ xuất hiện nhiều quá sẽ bị nhàm chán trong mắt khán giả.
Dù vậy, tôi biết nhiều người thương tôi, mong đợi sự trở lại của tôi. Nếu bây giờ tham gia game show, tôi chỉ chọn những chương trình thích hợp bởi tôi có tuổi rồi, chỉ quay những chương trình nào đảm bảo giờ giấc. Trước đây, có những game show tôi ghi hình từ 10h sáng hôm trước đến 3h sáng hôm sau khiến tôi rất mệt. Thời gian qua tôi tập trung chữa chứng rối loạn tiền đình nên ít có dịp ra ngoài gặp gỡ đồng nghiệp. Ngoài những giờ đi diễn, tôi chỉ quanh quẩn ở nhà thờ tổ tại quận 9, TP HCM.
Hiện sức khỏe đã ổn định hơn, tôi vẫn diễn ở tỉnh. Một tuần tôi có hai đến ba show. Tôi không thể bỏ sân khấu, trừ khi tôi chết. Nghề diễn là đam mê cả đời.
Nghệ sĩ Hoài Linh trong liveshow Chí Tài, tối 25/10. Ảnh: Ngôi Nguyên
- Một ngày của anh diễn ra như thế nào?
- Tôi dành nhiều thời gian cho bản thân và gia đình. Hàng ngày, tôi tìm niềm vui với việc tưới cây, nhặt cỏ, sắp xếp công việc ở nhà thờ tổ. Những lúc rảnh rỗi tôi dành thời gian du lịch cùng gia đình.
- Ở tuổi 50, anh mong ước gì trong cuộc sống, công việc?
- Thật sự tôi không mong ước gì nhiều. Tôi không đòi hỏi một cuộc sống cầu kỳ, ngày ba bữa cơm là đủ. Tôi chỉ mong có sức khỏe, kiếm tiền lo hương khói, hoa quả sáng, chiều, duy trì cây xanh ở nhà thờ tổ. Như tôi đã nói, tôi không thể bỏ sân khấu được. Sân khấu lớn ở TP HCM như 126 đã đóng cửa, sắp tới là Trống Đồng, tôi không tiếc vì mất điểm diễn kiếm tiền mà đó là kỷ niệm của những nghệ sĩ như chúng tôi. Những sân khấu này không chỉ có khán giả ở TP HCM mà có những người từ miền Tây lên, là nơi nghệ sĩ gặp gỡ người mộ điệu.
Nghệ sĩ Hoài Linh chăm sóc cây cỏ ở nhà thờ tổ, quận 9 TP HCM. Ảnh: HL.
- Anh nghĩ thế nào về việc mở lớp diễn xuất, truyền nghề cho thế hệ trẻ?
- Tôi không học trường lớp, chỉ diễn theo bản năng. Tôi không có những kiến thức căn bản, cầm sách giảng dạy. Điều tôi làm được là truyền đạt lại kinh nghiệm hơn 20 năm đứng trên sân khấu. Ví dụ, có diễn viên diễn xuất giọng nói chưa đạt, tôi có thể chỉnh lại giúp các bạn ấy. Những diễn viên đang học hoặc sắp sửa học các đại học nghệ thuật đều có sự đam mê như nhau. Tôi hy vọng có nhiều điểm diễn nhỏ kiểu sân khấu cà phê hơn để các bạn trẻ theo nghề diễn có chỗ trau dồi kỹ năng.
Tôi mong muốn truyền thêm "lửa" nghề cho thế hệ đàn em. Khi làm việc chung với người trẻ, tôi học hỏi thông tin mới từ họ vì không có thời gian cập nhật. Ngược lại họ học ở tôi kinh nghiệm lâu năm. Tôi mê văn hóa dân gian nên tôi luôn hướng họ tìm hiểu, ứng dụng vào diễn xuất. Tôi thích tìm tòi những câu ca dao, tục ngữ hay giọng nói các miền để áp dụng vào các mảng, miếng hài trong diễn xuất có thể gây hiệu quả bất ngờ.