Nhiều người tin rằng Greta Thunberg sẽ đạt giải Nobel Hòa Bình năm nay. Nhưng hoạt động của cô có thể không hợp tiêu chí của giải. Những sáng kiến bảo vệ môi trường của Greta có thể nhiều chính phủ không thích.
Greta Thunberg trong cuộc mít tinh chống biến đổi khí hậu tại Denver, Mỹ ngày 11/10. Ảnh: AFP.
Nhà hoạt động khí hậu người Thụy Điển Greta Thunberg đã phát động phong trào "Thứ sáu vì tương lai" hay "Bãi khóa vì khí hậu" vào năm ngoái, khuyến khích học sinh trên toàn thế giới bỏ học để yêu cầu chính phủ hành động về biến đổi khí hậu.
Tháng trước, cô trở thành tâm điểm chú ý của dư luận khi phát biểu trước các lãnh đạo tại Liên Hợp Quốc: "Các vị đánh cắp những giấc mơ và tuổi thơ của tôi bằng những lời nói suông".
Nỗ lực đấu tranh vì môi trường khiến cô được đề cử giải Nobel Hòa bình vào tháng 3/2018, nhưng giải thưởng danh giá này cuối cùng được trao cho Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed vào ngày 11/10 vì những đóng góp cho hòa bình với nước láng giềng Eritrea.
Quá trình lựa chọn người đoạt giải Nobel Hòa bình diễn ra rất bí mật. Điều duy nhất Ủy ban Nobel tiết lộ là năm nay có 301 đề cử. Tên của một số ứng viên được công bố bởi những người đã đề cử họ. Chẳng hạn, Thunberg được ba nghị sĩ Na Uy đề cử, nhưng danh sách đầy đủ sẽ không được công bố trong 50 năm.
Henrik Urdal, người đứng đầu Viện nghiên cứu Hòa bình Oslo, cho rằng ngay từ đầu Thunberg đã khó có khả năng đoạt giải vì giới khoa học không có quan điểm đồng thuận rằng biến đổi khí hậu hay sự khan hiếm tài nguyên có mối liên hệ với xung đột vũ trang, trong khi giải quyết xung đột là yếu tố quan trọng trong việc lựa chọn ứng viên cho giải Nobel Hòa bình.
Janne Haaland Matlary, giáo sư chính trị tại Đại học Oslo, cũng đồng ý rằng mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và xung đột hiện chưa rõ ràng. "Mọi người đều thấy lũ lụt có thể gây ra xung đột, di cư, nhưng nó chưa được nhiều nơi công nhận là vấn đề chính sách an ninh", Matlary nói.
Giải Nobel Hòa bình từng được trao cho các nhà hoạt động môi trường. Năm 2007, Hội đồng Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) và cựu phó tổng thống Mỹ Al Gore được vinh danh vì "những nỗ lực trong việc xây dựng và phổ biến kiến thức về biến đổi khí hậu nhân tạo, đặt nền móng cho các biện pháp cần thiết để chống lại thay đổi như vậy".
Năm 2004, giải thưởng được trao cho nhà bảo vệ môi trường người Kenya Wangari Maathai vì "đóng góp của bà cho sự phát triển bền vững, dân chủ và hòa bình". Năm 1970, giải thưởng thuộc về Norman Borlaug, cha đẻ của cuộc cách mạng xanh (sử dụng các sáng kiến chuyển giao công nghệ thập niên 1950 và 1960 để tăng sản lượng nông nghiệp), được coi là đã cứu hơn một tỷ người trên thế giới khỏi nạn đói.
Nhưng Urdal cho rằng những lựa chọn như vậy giờ sẽ ít xảy ra hơn, vì ủy ban giải thưởng hiện muốn hướng đến mong muốn ban đầu của Alfred Nobel. Năm 1895, khi phác thảo giải thưởng, Nobel viết rằng người nhận nên là người đã thúc đẩy việc "bãi bỏ hoặc giảm quân đội thường trực". Một số người diễn giải rằng việc này có liên quan trực tiếp đến hòa bình và xung đột.
"Nếu bạn diễn giải theo hướng quá rộng thì mục tiêu ban đầu sẽ trở nên vô nghĩa", Urdal nói.
Vì vậy, Asle Sveen, nhà sử học đã viết nhiều cuốn sách về Giải Nobel Hòa bình, nói Thủ tướng Ahmed là kiểu ứng viên lý tưởng mà Alfred Nobel hướng đến khi sáng lập giải thưởng. Ông đặt dấu chấm hết cho bế tắc quân sự kéo dài 20 năm sau chiến tranh biên giới năm 1998 - 2000 giữa Eritrea và Ethiopia bằng thỏa thuận hòa bình được ký kết vào tháng 7/2018. Cuộc xung đột này được mô tả là "cuộc chiến vô nghĩa nhất châu Phi", khiến hai quốc gia nghèo nhất châu lục phải chi hàng tỷ USD mua sắm vũ khí.
Trong khi đó, Robert Falkner, chuyên gia khí hậu tại Trường Kinh tế London, phản bác rằng nếu nhận định Nobel Hòa bình chỉ nên được trao cho những người liên quan đến xung đột quân sự hay đối đầu giữa các quốc gia thì quan niệm đó "rất cổ hủ và hạn hẹp".
Ông nói thêm rằng khó có thể chứng minh mối quan hệ nhân quả trực tiếp giữa biến đổi khí hậu và xung đột, một phần vì cùng một cuộc khủng hoảng có thể kích hoạt các phản ứng khác nhau ở các quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, căng thẳng sinh thái tại nơi có xung đột sẽ làm khủng hoảng thêm trầm trọng. Đó là lý do Lầu Năm Góc, Bộ Quốc phòng Anh và NATO đang nghiên cứu về vấn đề này. Lầu Năm Góc gọi biến đổi khí hậu là một "mối đe dọa".
Thời điểm cũng không phải là yếu tố thuận lợi cho Thunberg. Ủy ban Nobel đã soạn ra danh sách ngắn các ứng viên xứng đáng nhất ngay sau thời hạn đề cử vào cuối tháng một. Nhưng các khoảnh khắc ấn tượng nhất của Thunberg như biểu tình, chuyến đi xuyên Đại Tây Dương trên một chiếc thuyền buồm và bài phát biểu tại Mỹ đều diễn ra vào cuối năm.
Thunberg, đang ở Denver trong chuyến thăm Bắc Mỹ, nói rằng cô không đi biểu tình để nhận giải. Nhà hoạt động đăng trên Twitter ngày 11/10 rằng cô vẫn làm những gì thường làm vào thứ sáu hàng tuần: biểu tình chống biến đổi khí hậu.
Tất nhiên, là người mới 16 tuổi, Thunberg vẫn còn có nhiều cơ hội để giành giải Nobel Hòa bình.