Trung Quốc đang phát triển loại tàu ngầm khổng lồ nhưng không có cánh buồm, điều này dẫn đến nhiều đồn đoán rằng đây là phương tiện không người lái lớn nhất thế giới.
Một năm trước, Trung Quốc đã khiến cộng đồng quân sự thế giới ngạc nhiên khi hạ thủy một chiếc tàu ngầm mà không ai ngờ tới, theo Forbes.
Cho đến bây giờ, một số chi tiết về nó mới được biết đến thông qua nguồn tin tình báo, nhưng cũng rất khiêm tốn. Blog HI Sutton, chuyên nghiên cứu về tàu ngầm trên thế giới, cho biết họ chỉ có thể ước lượng kích thước của tàu ngầm dựa trên bức ảnh chụp lúc hạ thủy.
Bên cạnh đó, dựa vào một số hình ảnh vệ tinh thương mại chụp lại tàu ngầm mới bên ngoài xưởng đóng tàu, các nhà phân tích ước tính kích thước nó dài khoảng 45 m, đường kính khoảng 4,5 m.
Tàu ngầm bí ẩn của Trung Quốc, theo bức ảnh chính thức hiếm hoi được công bố vào tháng 10/2018. Tên của tàu cũng chưa được tiết lộ. Ảnh: Nhà máy Đóng tàu Giang Nam.
Kích thước này nhỏ hơn một chút so với ước tính ban đầu, nhưng vẫn quá lớn để được mô tả như một tàu ngầm hạng trung. Các hình ảnh vệ tinh được chụp vào tháng 9, điều đó cho thấy tàu ngầm mới đã trải qua một số thử nghiệm tại nhà máy, nhưng có thể vẫn chưa được bàn giao.
Trong bài viết trên Forbes gần đây, nhà phân tích của HI Sutton nói rằng tàu ngầm mới có thiết kế khác lạ và không có cánh buồm. Các tàu ngầm thông thường đều có cánh buồm, nơi lắp kính tiềm vọng. Tàu ngầm mới chỉ có một chỗ lồi nhỏ, nơi thường là vị trí cánh buồm.
Thiết kế khác lạ này trở thành chủ đề cho nhiều đồn đoán. Một số giả thuyết cho rằng tàu ngầm này là phương tiện không người lái, nên không cần phải thiết kế cánh buồm, nơi thuyền trưởng và một số sĩ quan đứng quan sát khi tàu nổi lên mặt nước.
Nếu giả thuyết trên là đúng, nó sẽ trở thành tàu ngầm không người lái lớn nhất thế giới. Trong đợt duyệt binh kỷ niệm 70 năm Quốc khánh, Trung Quốc đã tiết lộ một tàu ngầm không người lái, nhưng vẫn nhỏ hơn rất nhiều so với tàu ngầm trên.
Nhà phân tích của HI Sutton cho rằng tàu ngầm mới có thể là phương tiện thử nghiệm để đánh giá các công nghệ mới có thể áp dụng trong tương lai.
VietBF © sưu tầm