Trung Quốc dần lộ rõ chiến lược lôi kéo đồng minh ở Thái Bình Dương đã khiến Mỹ lo ngại Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng quân sự tại Nam Thái Bình Dương khi các quốc gia trong khu vực sẵn sàng xích lại gần Bắc Kinh.
Các thủy thủ Hải quân Mỹ tham gia diễn tập hàng hải Mỹ - ASEAN hồi tháng 9 (Ảnh: US Navy)
Nhân dân Nhật báo, tờ báo của nhà nước Trung Quốc, ngày 10/10 đã đăng trên trang nhất bức ảnh chụp Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tươi cười bắt tay nhau. Trước đó một ngày, hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau tại Bắc Kinh, vài tuần sau khi quốc đảo Thái Bình Dương cắt đứt quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan và chuyển sang Trung Quốc đại lục.
Tại cuộc họp báo, ông Tập Cận Bình đã thông báo sự hỗ trợ về kinh tế dành cho Solomon, đồng thời hoan nghênh Solomon gia nhập “đại gia đình” hợp tác chung giữa Trung Quốc và các quốc đảo Thái Bình Dương.
Đài Loan và Solomon từng có 36 năm thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức. Trước khi cắt đứt quan hệ ngoại giao, Solomon là một trong 17 quốc gia còn lại trên thế giới công nhận và duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan.
Diễn biến nhanh chóng của các sự kiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo tại Mỹ. Mặc dù mối quan hệ thân thiết mới được thiết lập giữa Trung Quốc và Solomon mới chỉ dừng lại ở những cái bắt tay và có thể thêm một số dự án cơ sở hạ tầng, song các chiến lược gia tại Washington vẫn lo ngại về khả năng Trung Quốc muốn tăng cường hiện diện quân sự nhiều hơn tại khu vực Nam Thái Bình Dương.
Sách Trắng Quốc phòng được Trung Quốc công bố hồi tháng 7 nói rằng Bắc Kinh đang “tăng cường trao đổi quân sự với các nước đang phát triển” tại Nam Thái Bình Dương và những nơi khác.
Quốc đảo Solomon nằm ở vị trí chiến lược dọc theo tuyến đường biển trọng yếu giữa Australia và bang Hawaii của Mỹ. Kiritimati, một trong những hòn đảo ở cực đông của Kiribati - quốc đảo Thái Bình Dương vừa chuyển quan hệ ngoại giao từ Đài Loan sang Bắc Kinh, nằm ở phía nam Hawaii, nơi quân đội Mỹ đặt “đại bản doanh” của Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương. Có thông tin đồn đoán rằng, hai quốc đảo này sẽ xây dựng các cảng quân sự với sự hỗ trợ của Trung Quốc.
Cạnh tranh Mỹ - Trung tại Thái Bình Dương
Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chứng kiến lễ ký kết nhiều thỏa thuận tại Bắc Kinh ngày 9/10 (Ảnh: AFP)
Theo Nikkei, hợp tác quân sự sâu rộng hơn với các quốc đảo ở Nam Thái Bình Dương sẽ giúp cải thiện đáng kể năng lực của quân đội Trung Quốc trong việc giám sát các khu vực và phô diễn sức mạnh ở những nơi xa đất liền, đồng thời kiềm chế lực lượng quân sự Mỹ.
“Đòn đánh” chớp nhoáng về ngoại giao của Trung Quốc là động thái mới nhất trong cuộc chiến căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington ở Nam Thái Bình Dương. Bắc Kinh đang lôi kéo ngày càng nhiều nước quay lưng với Đài Loan bằng các cam kết hỗ trợ tài chính, trong khi Washington cũng vội vã củng cố vị thế chiến lược trong tâm thế lo lắng.
Ngày 7/10, Cơ quan đối ngoại Đài Loan và Viện Mỹ tại Đài Loan, nơi được coi là đại sứ quán không chính thức của Mỹ tại hòn đảo này, đã tổ chức Đối thoại Đảo Thái Bình Dương Mỹ - Đài Loan lần đầu tiên tại Đài Bắc. Những người tham dự bao gồm đại diện ngoại giao của một loạt quốc gia Thái Bình Dương như Nauru, Tuvalu và quần đảo Marshall tại Đài Loan.
“Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ mối quan hệ của Đài Loan với các quốc đảo Thái Bình Dương”, Sandra Oudrik, phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Australia, New Zealand và các đảo Thái Bình Dương, phát biểu tại sự kiện.
Trong năm nay, Mỹ cũng đẩy mạnh hợp tác với các quốc đảo Thái Bình Dương. Đây là một phần trong Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ nhằm đối trọng với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc - chương trình giúp Bắc Kinh mở rộng tầm ảnh hưởng thông qua các dự án cơ sở hạ tầng. Trong báo cáo hồi tháng 6, Bộ Quốc phòng Mỹ mô tả các quốc đảo Thái Bình Dương đóng vai trò “sống còn” đối với chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Ông Mike Pompeo hồi tháng 8 đã có chuyến thăm đầu tiên trên cương vị ngoại trưởng đương nhiệm của Mỹ tới Micronesia, gặp các nhà lãnh đạo Micronesia, Marshall và Palau. Ngoại trưởng Pompeo khẳng định, Washington sẽ tăng cường hợp tác quốc phòng và kinh tế với các nước trong khu vực, bao gồm cứu trợ thảm họa.
Mặc dù vậy, việc cả Solomon và Kiribati quyết định cắt quan hệ ngoại giao với Đài Loan hồi tháng 9 là bằng chứng cho thấy tầm ảnh hưởng sụt giảm của Mỹ ở Nam Thái Bình Dương.
Đài Loan hiện vẫn duy trì quan hệ ngoại giao với 4 nước Nam Thái Bình Dương gồm Tuvalu, Palau, Marshall và Nauru. Tuy nhiên, các mối quan hệ này không hoàn toàn vững chắc.
Một nhà lập pháp tại Palau được cho là đã tranh luận công khai về việc thiết lập quan hệ chính thức với Trung Quốc trước năm 2020. Nhà lập pháp này cho rằng Palau nên tập trung nhiều hơn vào Trung Quốc cho mục tiêu phát triển và cơ sở hạ tầng. Trung Quốc cũng gây sức ép với Palau về việc chuyển quan hệ ngoại giao từ Đài Loan sang Bắc Kinh khi cấm các nhóm du lịch tới Palau hồi năm 2017.
Nếu Palau ngả theo Trung Quốc, Mỹ sẽ gánh hậu quả đáng kể. Hai nước đã ký một thỏa thuận, trong đó Washington hỗ trợ tài chính cho Palau, trong khi Palau cho phép quân đội Mỹ sử dụng lãnh thổ nếu cần thiết.
VietBF © sưu tầm