Mặc dù đồng Mỹ kim vẫn là tiền tệ thống trị trong dự trữ toàn cầu, với hơn 61%, nhưng tỷ trọng gần đây có xu hướng giảm nhiều, đến nay đã thấp nhất trong 6 năm.
Theo số liệu Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa công bố, trong quý II, tổng dự trữ toàn cầu tăng lên 11.020 tỷ USD, từ 10.090 tỷ USD quý trước. Trong đó, khoảng 6.790 tỷ USD là bằng đôla Mỹ, tương đương 61,63%. Con số này thấp hơn so với 61,86% quý I và là thấp nhất kể từ cuối năm 2013.
Trong khi đó, tỷ lệ này với yen Nhật lại tăng, lên cao nhất gần 2 thập kỷ, với 5,41% trong quý II. Con số này của nhân dân tệ là 1,97%.
Nhân viên đang đếm đôla Mỹ tại Cairo (Ai Cập). Ảnh: Reuters
Tỷ lệ dự trữ bằng yen Nhật, euro và nhân dân tệ Trung Quốc đều tăng so với quý trước. Xu hướng gần đây là dự trữ bằng đôla Mỹ giảm so với các đồng tiền trên.
"Khi nhân dân tệ được IMF đưa vào rổ tiền tệ dự trữ, các khoản vay và nhiều công cụ khác niêm yết bằng đồng tiền này cũng nhiều lên. Bên cạnh đó, euro được chuộng tại nhiều nước coi đây là công cụ trú ẩn, vì cam kết của Ngân hàng trung ương châu Âu với đồng tiền này. Yen thì vốn nổi tiếng an toàn, và ngày càng hấp dẫn khi người ta lo ngại kinh tế giảm tốc", Juan Perez - chuyên viên giao dịch cấp cao tại Tempus nhận định.
Dự trữ toàn cầu là lượng tài sản các ngân hàng trung ương nắm giữ bằng nhiều loại tiền tệ khác nhau. Số tiền này chủ yếu dùng để thực hiện các nghĩa vụ thanh toán và thỉnh thoảng để hỗ trợ nội tệ. Đôla Mỹ vẫn là tiền tệ thống trị trong dự trữ toàn cầu. Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương đang dần đa dạng hóa khối tài sản này.
VietBF © sưu tầm