Máy bay ném bom H-6K của Trung Quốc đã được nâng cấp để mang tên lửa đạn đạo chống hạm, có thể là DF-21D, đủ sức tấn công nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ.
Hình ảnh về máy bay ném bom H-6, trong quá trình bay huấn luyện chuẩn bị cho lễ diễu binh kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Trung Quốc, đã tiết lộ một số nâng cấp mới. Phiên bản mới nhất của máy bay ném bom H-6 là H-6N có một vùng lõm khá lớn ở dưới bụng với một khối treo lớn.
Khối treo này được cho là để mang tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D, đem lại cho máy bay khả năng tấn công các tàu chiến lớn của đối phương, đặc biệt là tàu sân bay, tạp chí Drive nhận định.
Các chuyên gia nhận định ít nhất có 4 máy bay ném bom H-6N được giao cho lữ đoàn máy bay ném bom của không quân Trung Quốc.
H-6 là phiên bản sản xuất tại Trung Quốc từ dòng máy bay ném bom Tu-16 của Liên Xô. H-6 trở thành xương sống của lực lượng ném bom tầm xa của Trung Quốc từ những năm 1970 đến nay.
Năm 2009, Trung Quốc giới thiệu phiên bản nâng cấp H-6K. Nó được thiết kế lại khá nhiều so với bản gốc và tối ưu hóa cho nhiệm vụ mang tên lửa chống hạm và tên lửa hành trình không đối đất.
Mối đe dọa cho tàu sân bay Mỹ?
Các báo cáo về phiên bản H-6N với nhiệm vụ phóng tên lửa đạn đạo được tiết lộ lần đầu vào năm 2017. H-6N được giới thiệu là phiên bản vượt trội so với trước. Thay đổi lớn nhất giữa phiên bản N và K là loại bỏ khoang bom trên phiên bản N và bổ sung khu vực bán lõm dưới bụng với điểm treo cứng cho tên lửa lớn.
Phiên bản H-6N với một vùng bán lõm khá lớn dưới bụng được cho là để mang tên lửa đạn đạo chống hạm. Ảnh: Sina.
Cải tiến trên phiên bản H-6N khá giống với máy bay ném bom Tu-22M của Nga có thể mang tên lửa hành trình chống hạm Kh-22 hoặc Kh-32.
Chiếc H-6N bay chuẩn bị cho diễu binh không mang theo tên lửa dưới khu vực bán lõm, nhưng có 4 mấu cứng giúp máy bay có cấu hình bình thường khi không mang vũ khí. Do đó, người ta vẫn chưa thể xác định loại vũ khí mà Trung Quốc dự định sử dụng trên máy bay.
Theo Cơ quan Tình báo quốc phòng Mỹ (DIA), phiên bản phóng trên không của DF-21D được gọi là CH-AS-X-13. Nó sẽ là vũ khí chính của H-6N. DF-21D có tầm bắn khoảng 1.400 km khi phóng từ mặt đất.
Năm 2018, tạp chí Diplomat của Nhật Bản, dẫn nguồn tin giấu tên cho biết phiên bản phóng trên không của DF-21D sử dụng vật liệu composite nhẹ hơn giúp mở rộng tầm bắn. Ngoài ra, phóng tên lửa từ trên không sẽ giúp bắn xa hơn, tầm bắn của nó có thể lên đến 3.000 km.
Đồ họa máy bay ném bom H-6N mang theo tên lửa đạn đạo chống hạm CH-AS-X-13. Đồ họa: Ifeng.
DF-21D phóng từ đất liền được cho là có hệ thống định vị hạn chế và khó có thể nhắm mục tiêu đang di chuyển bằng radar. Nhưng phiên bản CH-AS-X-13 phóng trên không được cho là có thể thay đổi quỹ đạo chuyến bay dựa trên thông tin mà nó nhận được từ các nguồn khác qua liên kết dữ liệu.
Người ta chưa thể xác định CH-AS-X-13 sẽ mang theo đầu đạn thông thường hay hạt nhân, hoặc cả 2. “Trung Quốc đang phát triển 2 loại tên lửa đạn đạo phóng trên không, một trong số đó có thể mang đầu đạn hạt nhân”, thiếu tướng Robert Ashley, giám đốc DIA nói vào năm 2018.
Tướng Ashley cũng đưa ra nhận xét tương tự vào năm 2017. Một tên lửa mang đầu đạn hạt nhân sẽ không cần phải nhắm mục tiêu quá chính xác. Vũ khí này sẽ trở nên hữu ích để tiêu diệt nhóm mục tiêu lớn hơn cùng lúc, bao gồm nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ.
CH-AS-X-13 được cho là thành quả dựa trên kinh nghiệm gần đây của Trung Quốc với tên lửa đạn đạo tầm xa mang đầu đạn cơ động. Một vũ khí có thể giúp đánh bại hệ thống phòng thủ tên lửa.
Ngoài DF-21D và CH-AS-X-13, lực lượng tên lửa chiến lược Trung Quốc cũng đang vận hành tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26 được cho là có khả năng chống hạm. Năm 2017, Trung Quốc đã giới thiệu phiên bản tên lửa đạn đạo tầm ngắn DF-16G với đầu đạn có khả năng cơ động.
Trong triển lãm hàng không quốc tế Chu Hải 2018, tập đoàn khoa học và công nghiệp hàng không vũ trụ Trung Quốc, đã giới thiệu tên lửa đạn đạo tầm ngắn CM-401 dành cho nhiệm vụ chống hạm.
Khu vực bán lõm trên phiên bản H-6N được thiết kế để mang tên lửa đạn đạo chống hạm, hoặc vũ khí siêu thanh trong tương lai. Những vũ khí này có thể tạo ra mối đe dọa đáng kể với hạm đội tàu sân bay Mỹ.
Đẩy mạnh hệ thống dẫn đường
Một máy bay ném bom có thể mang tên lửa lớn là một công cụ hữu ích cho kho vũ khí của Trung Quốc, ngay cả khi máy bay ném bom chiến lược tàng hình của họ đi vào hoạt động. Không quân Mỹ cũng có kế hoạch nâng cấp máy bay ném bom chiến lược B-52 để mang tên lửa đạn đạo phóng trên không.
Soar Eagle, một trong những máy bay không người lái tầm xa của Trung Quốc được phát triển trong thời gian gần đây. Ảnh: Top81.
Dù sao H-6N có thể là một sự bổ sung đáng kể cho khả năng chống tiếp cận của Trung Quốc, đặc biệt là ở Biển Đông. Trong tháng 1, lực lượng tên lửa chiến lược Trung Quốc đã tổ chức đợt tập trận tấn công chống hạm tầm xa vào đối phương ở Biển Đông.
Đến tháng 6 và tháng 7, có báo cáo nói rằng quân đội Trung Quốc đã tổ chức tập trận bắn đạn thật, sử dụng tên lửa đạn đạo để tấn công mục tiêu mô phỏng.
Ngoài ra, Bắc Kinh đang tăng cường khả năng trong việc phát hiện và theo dõi mối đe dọa trên không, trên biển và dưới nước bằng phương tiện không người lái. Những phương tiện này còn được sử dụng cho nhiệm vụ hỗ trợ dẫn đường cho tên lửa đạn đạo chống hạm.
Trong tháng 7, khoảng một tuần sau cuộc tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông, UP Media của Đài Loan đưa tin rằng một máy bay không người lái Xiang Long hoặc Soar Eagle đã theo dõi tuần dương hạm USS Antietam của Mỹ khi nó đi qua eo biển Đài Loan, dù thông tin này chưa được xác nhận.
Soar Eagle chỉ là một trong số những máy bay không người lái tầm xa mà Trung Quốc phát triển trong những năm gần đây. Loại tên lửa đạn đạo chống hạm mà máy bay ném bom H-6N có thể mang theo cần thêm thời gian để xác nhận, nhưng tên lửa đạn đạo phóng từ máy bay sẽ là một xu hướng trong thời gian tới.
VietBF © sưu tầm