Ứng cử viên Bộ trưởng Tư pháp Hàn Quốc đối mặt với làn sóng chỉ trích dữ dội vì vụ bê bối con gái thi trượt nhưng vẫn được nhận học bổng trị giá hàng nghìn USD.
Theo CNBC, học bổng và các quyền lợi khác được trao cho con gái của ứng viên Bộ trưởng Tư pháp Cho Kuk bị tố là không tương thích với kết quả học tập khá nghèo nàn của cô. Đây là một scandal lớn bởi tại Hàn Quốc, phần lớn người trẻ phải cạnh tranh dữ dội trên ghế nhà trường.
Khi rời giảng đường đại học, họ tiếp tục lao vào cuộc tìm kiếm và giành giật những cơ hội ít ỏi trong một thị trường lao động chậm chạp, trong một hệ thống mà bị mô tả là bất công và thiên vị giới thượng lưu.
Vụ bê bối của ông Cho Kuk gây xôn xao dư luận Hàn Quốc và làm dấy lên làn sóng phản đối kể từ khi Tổng thống Moon Jae In đề cử ông này vào vị trí Bộ trưởng Tư pháp hồi đầu tháng 8.
Làn sóng phản đối
Trong cuộc họp báo kéo dài 11 giờ hôm 2/9, ông Cho không phủ nhận việc con gái mình được ưu ái và bày tỏ sự hối hận khi đã "gây thất vọng và làm tổn thương thế hệ trẻ". Tuy nhiên, ông khẳng định không làm điều gì trái quy định và sẽ xem xét để giúp đỡ những người trẻ không có cơ hội tương tự.
Ông Cho bị tố giả tạo và thiên vị người nhà. Ảnh: Reuters.
Các sinh viên tại những trường đại học hàng đầu Hàn Quốc, bao gồm Đại học Quốc gia Seoul (SNU - nơi ông Cho làm giáo sư luật), đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình để gây sức ép buộc ông Cho từ bỏ cơ hội trở thành bộ trưởng .
"Cô ta có những cơ hội mà học sinh, sinh viên bình thường không bao giờ thấy được, chỉ vì cô ấy là con của tầng lớp nhận đặc quyền", CNBC dẫn lời Do Jung Geun, Chủ tịch Hội đồng sinh viên SNU, bức xúc nói.
Con gái ông Cho được công nhận là tác giả đầu tiên của một bài nghiên cứu y khoa trên tạp chí Journal of Pathology năm 2009. Ở thời điểm đó, cô gái này vẫn còn học trung học và mới chỉ hoàn thành kỳ thực tập 2 tuần tại Viện Khoa học Y tế của Đại học Dankook.
Theo hồ sơ của trường, con gái ông Cho trượt kỳ thi tại Trường Y khoa Pusan hai lần nhưng vẫn được nhận học bổng trị giá tới 9.900 USD trong 6 học kỳ từ năm 2016 đến 2018.
Nỗi thất vọng lớn
Theo báo chí Hàn Quốc, vụ bê bối đã khiến rất nhiều người trẻ Hàn Quốc ủng hộ ông Moon và đảng của ông cảm thấy vô cùng thất vọng. Tổng thống Moon nhậm chức vào năm 2017 sau khi bà Park Geun Hye - hậu duệ của một trong những gia đình chính trị nổi tiếng nhất Hàn Quốc - bị phế truất vì phạm tội.
Ông Moon hứa hẹn sẽ thay đổi. "Cơ hội sẽ trở nên bình đẳng, các quy trình sẽ công bằng và kết quả cũng vậy", tổng thống Hàn Quốc tuyên bố. Vào thời điểm đó, ông Cho được xem là gương mặt đại diện của tầng lớp "tiến bộ", luôn cất cao tiếng nói chống lại "chủ nghĩa tinh hoa".
"Ông Cho nên làm theo lời yêu cầu của tất cả những người đã quá thất vọng vì sự giả tạo của ông ta", Shin Seong Min, Chủ tịch Hội đồng sinh viên tại SNU, tuyên bố.
Tỷ lệ ủng hộ dành cho Tổng thống Moon đã trượt dốc do vụ bê bối của ông Cho. Theo khảo sát của Gallup Korea với hơn 1.000 người Hàn Quốc từ ngày 27 đến 29/8, 15% cho biết việc ông Moon đề cử ông Cho là lý do khiến họ không còn tin tưởng vào tổng thống nữa.
Học sinh và sinh viên bình thường ở Hàn Quốc không có nhiều cơ hội như con cháu của tầng lớp nhà giàu và quan chức. Ảnh: WSJ.
Theo thống kê mới nhất của chính phủ, hơn 70% học sinh Hàn Quốc tốt nghiệp trung học được vào đại học, nhưng 10% người trong độ tuổi từ 15 đến 29 thất nghiệp tính đến tháng 7. Đây là tỷ lệ thất nghiệp thanh niên cao nhất trong 20 năm qua.
"Đối với người Hàn Quốc, sự công bằng có nghĩa là công bằng về cơ hội", chuyên gia Jeong Han-wool thuộc Công ty Hankook Research, nhận định. "Những người ở độ tuổi 20 đã cảm thấy quá mệt mỏi vì phải cạnh tranh trên ghế nhà trường rất bức xúc với vụ scandal này".
"Bởi vụ bê bối của ông Cho đã chứng minh rằng tất cả những gì họ nghi ngờ đều là sự thật. Họ thấy rằng bản thân đang phải sống trong một xã hội mà cơ hội để vươn lên không dựa trên khả năng hoặc sự đóng góp, mà dựa vào quyền lực và mối quan hệ", ông nói thêm.
VietBF © sưu tầm