Nhiều người Việt ở Đức đã xuống đường tuần hành phản đối Trung Quốc ở biển Đông. Hàng nghìn người Việt hôm qua tham gia cuộc tuần hành "Áo dài vì hòa bình" ở Berlin, yêu cầu Trung Quốc rút các tàu khỏi vùng biển Việt Nam.
Đại diện hội người Việt tại Đức đọc bức thư phản đối các hành vi xâm phạm chủ quyền Việt Nam trước sứ quán Trung Quốc ở Berlin. Ảnh: Huy Thắng
Cuộc tuần hành do hội người Việt tại Đức tổ chức bắt đầu lúc 15h, trong đó hàng nghìn người, chủ yếu là phụ nữ, mặc trang phục truyền thống và áo cờ đỏ sao vàng, đi từ Quảng trường Alexander-Platz đến trước cửa sứ quán Trung Quốc ở Berlin. Họ mang theo cờ Việt Nam và cờ Đức, giương cao những khẩu hiệu "Việt Nam vì hòa bình", "Kiên quyết yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền biển đảo của Việt Nam và luật pháp quốc tế".
Cảnh sát Berlin cũng bố trí lực lượng để đảm bảo trật tự cho cuộc tuần hành.
Trong số những người xuống đường có không ít phụ nữ đã lớn tuổi hoặc từ các thành phố xa xôi ở Đức đến Berlin. Hoạt động cũng thu hút nhiều người Đức tham gia để bày tỏ sự ủng hộ với Việt Nam. Đoàn tuần hành vừa đi vừa hát vang những bài hát ca ngợi Tổ quốc và biển đảo quê hương.
Trước sứ quán Trung Quốc, đại diện hội người Việt tại Đức đã đọc bức thư phản đối các hành vi xâm phạm chủ quyền Việt Nam và yêu cầu Bắc Kinh tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, ngay lập tức rút hết tàu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Đoàn tuần hành của hội người Việt tại Đức. Ảnh: Huy Thắng
Đoàn tuần hành của hội người Việt tại Đức. Ảnh: Huy Thắng
Cuộc tuần hành diễn ra sau khi tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 và một số tàu hộ tống của Trung Quốc ngày 13/8 quay lại xâm phạm vùng biển Việt Nam. Nhóm tàu này trước đó đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía đông nam Việt Nam từ đầu tháng 7 đến ngày 7/8.
Bộ Ngoại giao đã nhiều lần phản đối hành động của Trung Quốc, yêu cầu nước này rút nhóm tàu khỏi vùng biển Việt Nam. Các lực lượng chức năng của Việt Nam đang tiếp tục triển khai các biện pháp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán theo đúng pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.
Nhiều nước cũng đã lên tiếng phản đối hành vi của Trung Quốc. Ngày 20/7, Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông cáo bày tỏ sự lo ngại khi Trung Quốc can thiệp hoạt động dầu khí trong khu vực, bao gồm hoạt động thăm dò và khai thác lâu nay của Việt Nam. Trong cuộc gặp của ASEAN tại Thái Lan hôm 2/8, ngoại trưởng ba nước Mỹ, Nhật Bản, Australia cũng ra tuyên bố chung bày tỏ mối quan ngại nghiêm trọng đối với những hoạt động gây cản trở liên quan đến các dự án dầu khí lâu dài ở Biển Đông.