Trung tâm tài chính lớn nhất châu Á hứng "bão kinh tế cấp 3" do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung kéo dài và cuộc khủng hoảng chính trị gần đây, sau khi Hong Kong quyết định cắt giảm mức dự báo tăng trưởng từ 2-3% xuống 0-1%, đồng thời đưa ra gói hỗ trợ trị giá 2,4 tỉ USD để cứu nền kinh tế, nếu tiếp tục tăng trưởng âm thì nền kinh tế Hong Kong sẽ rơi vào suy thoái.
Ảnh minh họa: SCMP
Viễn cảnh suy thoái
Hong Kong nên chuẩn bị đối phó với một "cơn bão kinh tế" do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung kéo dài và cuộc khủng hoảng chính trị gần đây, người đứng đầu cơ quan tài chính Hong Kong Paul Chan cảnh báo trong bài viết trên blog của cơ quan tài chính.
Lời cảnh báo được đưa ra sau khi Hong Kong quyết định cắt giảm mức dự báo tăng trưởng từ 2-3% xuống 0-1%, đồng thời đưa ra gói hỗ trợ trị giá 2,4 tỉ USD để cứu nền kinh tế - một động thái mà ông Chan so sánh với hành động dự trữ thực phẩm mà các gia đình thường làm trước bão.
"Trong quá khứ, mỗi khi bão tới, nhiều cư dân lại chủ động mua thêm rau, thịt và trữ gạo ở nhà, đề phòng trường hợp thời tiết chuyển biến xấu thì họ vẫn có thể đáp ứng nhu cầu của gia đình mà không phải rời khỏi nhà. Dưới tình huống "bão kinh tế", liệu chúng ta có nên chuẩn bị tương tự như vậy?"
"Dưới tình huống ấy, hồi tuần trước, chúng tôi đã quyết định triển khai một loạt biện pháp hỗ trợ để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như người dân. Thách thức kinh tế đang đến một cách lặng lẽ".
"Kể từ quý I năm 2018, động lực phát triển kinh tế của Hong Kong đã tiếp tục chậm lại. Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế đã dần giảm từ 4,6% vào quý I 2018 xuống còn 0,5% trong quý II năm 2019".
"Nếu so sánh theo từng quý thì quý trước cho thấy tăng trưởng ở mức -0,4%, thấp hơn cả dự đoán ban đầu 0,3%. Nếu quý III tiếp tục tăng trưởng âm thì nền kinh tế Hong Kong sẽ rơi vào suy thoái".
"Những nguyên nhân chính dẫn tới bất bình đẳng kinh tế, bao gồm cả bất đồng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, đã khiến thương mại nước ngoài của Hong Kong bị thu hẹp và ảnh hưởng trực tiếp tới các ngành công nghiệp vận tải, thương mại".
Ngoài ra, ông Chan nhận định: Các sự kiện xã hội gần đây đã tác động tới các ngành du lịch, dịch vụ và bán lẻ của Hong Kong, ảnh hưởng tới hình ảnh quốc tế của Hong Kong. Ông cho rằng điều này sẽ làm người nước ngoài bớt mong muốn tới du lịch, làm ăn và đầu tư vào Hong Kong.
"Từ những công ty lớn cho tới các thương nhân kinh doanh quy mô nhỏ, họ đều cảm nhận được áp lực của cơn bão kinh tế này. Hôm qua, tôi đã tới Wanchai để xem xét và trò chuyện với các chủ tiệm, người bán hàng và người tiêu dùng tại đó. Họ đều phàn nàn về lượng khách hàng thưa thớt và tình trạng kinh doanh xuống dốc".
Bão kinh tế cấp 3
Ông Chan cho biết, gói cứu trợ 2,4 tỉ USD mà Hong Kong vừa tung ra bao gồm nhiều biện pháp, từ trợ giá điện cho tới giá nhà thuê, thuế thu nhập, vv... Theo đó, hơn 1,2 triệu người lao động sẽ được miễn hoàn toàn thuế thu nhập.
Hai tháng biểu tình khiến sân bay quốc tế Hong Kong có lúc phải đóng cửa và chứng khoán trượt dài đã ảnh hưởng tới nền kinh tế Hong Kong, đúng vào thời điểm cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khiến hoạt động xuất khẩu bị giảm sút.
Ông Chan xác định cơn bão kinh tế mà Hong Kong phải đối mặt ở cấp độ 3, nhắc tới thuật ngữ mà các nhà quan sát Hong Kong sử dụng để dự báo bão. Theo Bloomberg, về cơ bản, cấp 8 sẽ khiến Hong Kong "đóng cửa".
"Có thể nói rằng chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ những thay đổi trong môi trường kinh tế. Môi trường trong và ngoài nước tiếp tục suy yếu trong vài tháng qua. Cơn bão kinh tế này đã lên thành bão cấp 3 và đường đi của nó đã tác động tới Hong Kong".
"Chúng ta cần phải chuẩn bị đối phó với gió bão, xây dựng "đê chắn sóng" cho nền kinh tế và để lại nhiều tiền hơn trong túi người dân. Chúng tôi hy vọng sẽ ổn định được uy tín, bảo toàn được việc làm và hỗ trợ nền kinh tế", ông Chan nói.