Tổng thống Trump nói Mỹ 'học được nhiều' từ vụ nổ động cơ tên lửa Nga. Vụ nổ động cơ tên lửa Nga là bài học cho Mỹ. 5 nhân viên thiệt mạng trong sự cố với tên lửa hạt nhân ở Nga.
Tổng thống Trump tại sân bay quân sự Andrews hôm 10/8. Ảnh: AFP.
"Vụ nổ tên lửa 'Skyfall' của Nga khiến nhiều người lo ngại về chất lượng không khí gần bãi thử và xa hơn thế. Đó là điều không tốt", Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm nay viết trên Twitter trong lần đầu tiên công khai lên tiếng về vụ nổ lớn ở vùng Arkhangelsk, đông bắc nước Nga, hồi tuần trước.
Trump còn khẳng định có công nghệ tương tự nhưng tiên tiến hơn so với mẫu động cơ tên lửa Nga phát nổ trong sự cố."Mỹ đang học hỏi rất nhiều từ vụ thử tên lửa thất bại này", ông viết.
Giám đốc Tập đoàn năng lượng hạt nhân Nga (Rosatom) Alexei Likhachev hôm qua xác nhận vụ nổ ở ngoài khơi thành phố Arkhangelsk, miền bắc nước này hôm 8/8 xảy ra trong quá trình thử nghiệm một loại vũ khí mới. Nhiên liệu từ động cơ tên lửa phát nổ làm nhiều nhà khoa học rơi xuống biển, khiến 5 chuyên gia thiệt mạng và ít nhất ba người bị bỏng nặng.
Trump không nói rõ tình báo Mỹ đã thu thập được những thông tin gì từ vụ nổ này. Tờ NYTimes đưa tin các quan chức tình báo Mỹ tin rằng vụ nổ có thể liên quan đến mẫu Burevestnik (NATO gọi là SSC-X-9 Skyfall), loại tên lửa hành trình gắn động cơ hạt nhân mới được Nga phát triển.
Burevestnik là một trong 6 siêu vũ khí được Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố hồi tháng 3/2018. Về lý thuyết, việc trang bị động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân giúp "siêu tên lửa hành trình" này có tầm bắn không giới hạn và có thể bay theo những quỹ đạo khó lường nhất để xuyên thủng lá chắn tên lửa đối phương.
Tổng thống Trump được báo cáo về vụ nổ ở Nga cuối tuần trước, nhưng Nhà Trắng và các thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ chưa cung cấp thêm thông tin về dòng tweet của ông.
Truyền thông Nga đưa tin hạn chế về vụ nổ. Sau sự cố, giới chức thành phố Severodvinsk, cách Nyonoksa 47 km về phía đông, thông báo trên website của chính quyền rằng nồng độ phóng xạ ở đây tăng lên cao hơn mức thông thường trong khoảng 40 phút, nhưng thông tin này sau đó đã bị xóa.
Người dân địa phương đổ xô đi mua i-ốt với hy vọng có thể giảm phơi nhiễm phóng xạ. Bộ Quốc phòng Nga khẳng định không có hóa chất độc hại bị phát tán ra môi trường sau vụ nổ và nồng độ phóng xạ trong không khí đã trở về mức bình thường.
Dù Trump nói rằng Mỹ có công nghệ tương tự, quân đội Mỹ hiện mới sở hữu tên lửa hành trình gắn đầu đạn hạt nhân và chưa phát triển bất cứ hệ thống động cơ hạt nhân nào cho tên lửa.