Các bức ảnh của đập Tam Hiệp Trung Quốc vừa được đăng tải trên mạng xã hội Trung Quốc, cho thấy con đập bị biến dạng khác thường khi nhìn từ Google Maps, bởi con đập Tam Hiệp, là công trình thủy điện lớn nhất và gây tranh cãi nhất của nước này, được cho là có dấu hiệu biến dạng, trong khi quan chức Trung Quốc khẳng định công trình vẫn nằm trong giới hạn an toàn.
Đập thủy điện Tam Hiệp là công trình quy mô và gây nhiều tranh cãi ở Trung Quốc.
Theo Fox News, các chuyên gia làm việc cho Tập đoàn Tam Hiệp Trung Quốc (CTG) – công ty thuộc sở hữu nhà nước, khẳng định con đập có biến dạng khoảng vài mm do yếu tố nhiệt độ và mực nước thay đổi, nhưng vẫn nằm trong phạm vi an toàn.
CTG đưa ra phát ngôn sau khi các bức ảnh dăng tải trên mạng xã hội Trung Quốc, cho thấy con đập bị biến dạng khác thường khi nhìn từ Google Maps. Tờ Caixin Global dẫn nguồn tin ở Bắc Kinh, nói các bức ảnh trên có thể là do vấn đề với ảnh chụp vệ tinh, hơn là do con đập gặp trục trặc.
Theo Reuters, đập Tam Hiệp hiện là công trình thủy điện đắt giá nhất và gây tranh cãi nhất của Trung Quốc. Trong quá trình xây dựng, con đập đã nhấn chìm nhiều ngôi làng, khiến hàng triệu người phải chuyển đến nơi khác sinh sống, làm thay đổi hệ sinh thái dọc theo sông Trường Giang. Các nhà phê bình cũng chỉ trích dự án, cho rằng con đập làm tăng nguy cơ động đất và lở đất trong khu vực.
Đập Tam Hiệp là con đập lớn nhất thế giới với chiều dài 2.308m, cao 185m. Công trình đã sử dụng 27,2 triệu mét khối bê tông, 463.000 tấn thép. Đập thủy điện với 32 tổ máy, tạo ra 22,5 triệu kilowatt điện (22.500 megawatt), tương đương công suất của 15 nhà máy điện hạt nhân.
Đập Tam Hiệp có vùng hồ chứa tới 42 tỉ tấn nước. Việc đẩy 42 tỉ tấn nước lên cao 175 mét so với mực nước biển sẽ làm tăng mô-men quán tính của Trái Đất, qua đó là chậm chuyển động xoay của địa cầu, dù tác động vô cùng nhỏ.
Hình dạng bất thường của đập Tam Hiệp nhìn từ Google Maps.
Theo NASA,, sự dịch chuyển của khối lượng nước lớn ở độ cao như trên sẽ làm ngày dài thêm 0,06 mili giây, Tác động cũng làm điểm cực lệch đi khoảng 2cm.
Theo Scientific American, ngay từ năm 2008, quan chức chính phủ Trung Quốc được giao nhiệm vụ giám sát dự án, đã thừa nhận đập Tam Hiệp có những “mối đe dọa vô hình”, có thể gây ra thảm họa.
“Chúng ta không thể ngừng cảnh giác”, quan chức Trung Quốc Wang Xiaofeng nói khi đó. Trùng Khánh, thành phố với 31 triệu dân có thể bị con đập nhấn chìm bất cứ lúc nào.
“Chúng ta không thể đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế tạm thời”.
Các nhà khoa học, địa lý, sinh học từ lâu đã cảnh báo việc xây dựng một công trình thủy điện khổng lồ ở khu đông dân cư như Tam Hiệp không chỉ đe dọa đến hệ sinh thái, môi trường sống của các loài động, thực vật mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây ra thảm họa.
“Mưa ở Tam Hiệp trở nên ít hơn, hạn hán xảy ra thường xuyên hơn, bệnh dịch có nguy cơ lan tràn”, George Davis, chuyên gia tại Đại học George Washington, người có 24 năm nghiên cứu ở lưu vực sông Trường Giang và các tỉnh lân cận, nói năm 2008.
Khi con đập được xây dựng vào năm 1992, các nhà hoạt động nhân quyền đã bày tỏ lo ngại về việc hàng triệu người sống ở khu vực xung quanh phải chuyển đi nơi khác, dù Tam Hiệp là trung tâm phát triển ở phía tây Trung Quốc.
Kết quả là hơn 1,2 triệu người tại hai thành phố và 116 ngôi làng phải chuyển đi nơi khác sinh sống. Một số trường hợp chỉ nhận được khoản tiền đền bù ít ỏi. Với những người tiếp tục sống ở gần nơi con đập hoạt động, họ luôn phải đối mặt với nguy cơ sạt lở đất, biến đổi hệ sinh thái.
Đập Tam Hiệp với 32 tổ máy, tạo ra sản lượng điện tương đương 15 lò phản ứng hạt nhân.
Fan Xiao, nhà địa chất làm việc tại Cục Khai thác và Khai thác Tài nguyên Khoáng sản ở tỉnh Tứ Xuyên, nói những vụ lở đất trong vài năm qua, khiến hàng chục người chết, có liên hệ trực tiếp đến hoạt động làm đầy các hồ chứa nước ở đập Tam Hiệp.
Một trong những nỗi sợ lớn nhất là con đập có thể gây ra các trận động đất lớn, bởi vì hồ chứa nước nằm ngay trên hai mảng đứt gãy lớn là Jiuwanxi và Zigui–Badong.
Con đập cũng làm ảnh hưởng đến sự sinh tồn của các loài cá ở hạ lưu sông Trường Giang. Kết quả là số lượng quần thể các loài cá giảm mạnh. Loài cá heo sông Trường Giang thậm chí còn gần như biến mất hoàn toàn.
Năm 2011, 5 năm sau khi con đập chính thức hoàn thiện, chính quyền Trung Quốc thừa nhận dự án đã gây ảnh hưởng đến xã hội và môi trường nghiêm trọng, hứa sẽ chi số tiền tương đương 124 tỉ USD đền bù. Đến năm 2019, số tiền đền bù mới chỉ được giải ngân một nửa.
Năm 2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm đập Tam Hiệp và nhấn mạnh rằng việc phục hồi sinh thái sông Trường Giang cần phải được ưu tiên hàng đầu.