Liên minh Châu Âu lễ ký Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư với Việt Nam (IPA).
Sự kiện diễn ra tại Văn phòng Chính phủ nơi phía EU cử Đại diện Hội đồng EU Stefan-Radu Oprea và bà Cecilia Malmstrom, Cao uỷ Thương mại EU sang Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được dẫn lời nói "EVFTA và IPA sẽ như một đường cao tốc quy mô lớn" giúp đẩy nhanh tốc độ và quy mô hợp tác, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU.
Thỏa thuận trong EVFTA được kỳ vọng sẽ xóa hơn 99% thuế nhập khẩu cho hàng hóa giao dịch, trong khi phần còn lại sẽ nhận ưu đãi thuế quan theo hạn ngạch theo lộ trình riêng.
Được biết Việt Nam sẽ giảm 65% thuế nhập khẩu đối với hàng EU ngay khi EVFTA có hiệu lực và phần còn lại sẽ được xóa trong giai đoạn 10 năm.
Để đổi lại hàng Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ được giảm hơn 70% thuế quan với lộ trình để xóa thuế nhập khẩu còn lại là 7 năm.
EU nói các thỏa thuận sẽ đem lại "lợi ích chưa từng có" cho hai phía, đồng thời "thúc đẩy quyền lao động, bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu".
Sau khi EU và Việt Nam ký, thỏa thuận lại còn phải đệ trình cho Nghị viện châu Âu chuẩn thuận.
Nếu Nghị viện châu Âu cũng thông qua, thỏa thuận thương mại sẽ được Hội đồng châu Âu duyệt lần chót để đi vào hiệu lực.
Đồng thời, thỏa thuận bảo hộ đầu tư còn chờ từng nước trong EU thông qua.
Trả lời phỏng vấn với phóng viên BBC Nguyễn Hoàng của BBC hồi tháng 3/2019 tại Hà Nội, Trưởng Đại diện Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam nói EVFTA quan trọng vì nó giúp phát huy vị thế cạnh tranh của Việt Nam, và hội nhập kinh tế Việt Nam vào thương mại thế giới cũng như kết nối thị trường châu Âu với thị trường Việt Nam.
"Nó [EVFTA] còn giúp tăng sức hấp dẫn của Việt Nam trong và ngoài ASEAN, vì đây không chỉ là hiệp định thương mại giữa EU với Việt Nam mà còn là chiến lược phát triển của EU với cả châu Á," ông Bruno Angelet nói thêm.
Ông Angelet khi đó nói thông qua thương mại, EU cũng mong muốn có thể bảo vệ quyền của người lao động ở cả châu Âu và Việt Nam.
"Về cơ bản, chúng tôi làm việc với cả hai bên để thông qua quy ước chung của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), và sau đó thực hiện quy ước này tại Việt Nam và châu Âu. Chúng tôi cũng tôn trọng các tiêu chuẩn về lao động.
"Chúng tôi muốn đảm bảo rằng các doanh nghiệp châu Âu có thể cạnh tranh công bằng với các doanh nghiệp tư nhân hay nhà nước tại Việt Nam, nghĩa là không có sự phân biệt đối xử nào giữa các doanh nghiệp châu Âu với các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam".
BBC
30-6-2019