Bên lề thượng đỉnh G20, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định sẽ bảo vệ sở hữu trí tuệ với doanh nghiệp nước ngoài trước thềm cuộc gặp Tổng thống Mỹ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản ngày 28/6. Ảnh: Xinhua.
"Các doanh nghiệp nước ngoài là nạn nhân của hành vi ăn cắp tài sản trí tuệ sẽ được bồi thường và một kênh để khiếu nại vấn đề này đã được thiết lập", Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trước các lãnh đạo thế giới hôm qua tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức ở Osaka, Nhật Bản.
Trong bài phát biểu, ông Tập cho biết Trung Quốc sẽ thực hiện Luật đầu tư nước ngoài mới, bao gồm các bước quan trọng nhằm "tự do hoá nền kinh tế" và nới lỏng hạn chế về quyền tiếp cận thị trường cho các nhà đầu tư nước ngoài, bắt đầu từ 1/1 năm sau. Ông cam kết Bắc Kinh sẽ tăng cường các biện pháp bảo vệ dân sự và hình sự, đối xử bình đẳng đối với các nhà đầu tư nước ngoài đến Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc cũng tìm cách trấn an các đối tác thương mại lớn khác rằng Bắc Kinh sẵn sàng đẩy nhanh các cuộc đàm phán với châu Âu cũng như các cuộc đàm phán Hiệp định thương mại tự do với Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong cuộc họp với Thủ tướng Đức Angela Merkel, ông Tập cho thấy thông điệp rõ ràng của Trung Quốc khi nhấn mạnh rằng những gì Bắc Kinh tuyên bố không phải là "lời hứa suông".
Ông Tập từng đưa ra những lời hứa tương tự trước đó, nhưng phát biểu lần này của ông thu hút sự chú ý khi nó diễn ra ngay trước thềm cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm nay. Bảo vệ sở hữu trí tuệ và quyền tiếp cận thị trường là hai yêu cầu chính của Washington trong các cuộc đàm phán thương mại với Bắc Kinh.
Wang Yiwei, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, đánh giá rằng phát biểu của ông Tập tại G20 là sự nhắc nhở với Mỹ và các đồng minh về lập trường của Bắc Kinh, cũng như xây dựng niềm tin đối với chính sách kinh tế của Trung Quốc. Giáo sư Wang cho rằng phần lớn các nhận xét đưa ra trong bài phát biểu đều mang giọng điệu tích cực, cho thấy Bắc Kinh đang muốn tiếp tục là một phần của hệ thống thương mại toàn cầu cũng như chú trọng cải cách nền kinh tế riêng của nước này.
Căng thẳng thương mại giữa Bắc Kinh và Washington là vấn đề gây quan ngại sâu sắc cho các thành viên dự G20 hôm qua. Liên minh châu Âu (EU) cho rằng thương chiến Mỹ - Trung đang tác động bất lợi cho nền kinh tế toàn cầu. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Bản Tekeshi Osuga cũng cho rằng các lãnh đạo G20 quan ngại trước những rủi ro có thể xảy ra từ cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc.
Thượng đỉnh G20 sẽ bế mạc hôm nay, trong đó cuộc gặp Trump – Tập được cho là sự kiện được chú ý nhất. Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc hôm qua đã gặp Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer để chuẩn bị cho cuộc họp.
Bắc Kinh hôm qua kỳ vọng rằng cuộc gặp Trump - Tập bên lề G20 sẽ diễn ra thành công. Tổng thống Trump cũng hy vọng đàm phán với ông Tập sẽ có hiệu quả, nhưng không đảm bảo rằng Mỹ sẽ không áp thêm thuế với hàng hoá nhập khẩu của Trung Quốc.
VietBF © sưu tầm