Sau khi ông Trump gửi thư "tuyệt vời" cho ông Kim, Triều Tiên bất ngờ chỉ trích hành động “thù địch” của Mỹ. Hành động này chỉ vài ngày sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un nhận được lá thư “tuyệt vời” của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Có vẻ như hơi lạ!
Bức ảnh ông Kim đọc lá thư do Tổng thống Mỹ Donald Trump gửi.
Theo CNN, trong tuyên bố ngày 26.6, Bộ Ngoại giao Triều Tiên nói bình luận của cố vấn hàng đầu Mỹ về vấn đề trừng phạt Triều Tiên, nhắc đến chuyện nhân quyền, là hành động “thù địch”.
Trong bản báo cáo thường niên, Bộ Ngoại giao Mỹ luôn nhắc đến Triều Tiên là quốc gia “vi phạm nhân quyền”. Nhưng Triều Tiên tránh chỉ trích trực tiếp Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Bình luận của Triều Tiên được đưa ra khi ông Trump chuẩn bị đến Osaka, Nhật Bản, để dự hội nghị G20.
Ông Trump sau đó sẽ đến Seoul để gặp người đồng cấp Moon Jae-in và có thể sẽ có mặt tại khu phi quân sự chia cắt Hàn Quốc và Triều Tiên.
Đàm phán phi hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên đã chững lại kể từ sau hội nghị thượng đỉnh lần hai không thành công hồi tháng 2.
Giới phân tích đồn đoán, việc trao đổi qua thư có thể là cách hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên nối lại đàm phán hạt nhân.
Duyeon Kim, nhà phân tích tại trung tâm an ninh Mỹ, nói chỉ trích mới nhất của Triều Tiên cho thấy việc hai nhà lãnh đạo thân mật không có nghĩa là Mỹ và Triều Tiên không còn những sự khác biệt.
“Họ vừa gửi lời cảnh báo đến Washington, vừa bày tỏ hi vọng vào một hội nghị thượng đỉnh lần 3”, Kim nói.
Triều Tiên cho rằng, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo có những tuyên bố “liều lĩnh”, khi nói rằng cấm vận đã phong tỏa tới 80% nền kinh tế Triều Tiên. Điều này khiến Bình Nhưỡng bị buộc phải ngồi vào bàn đàm phán.
“Triều Tiên không phải là quốc gia sẽ quỳ gối trước những lệnh cấm vận của Mỹ. Triều Tiên cũng không phải quốc gia mà Mỹ muốn tấn công bất cứ lúc nào nếu muốn”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triều Tiên nói.
“Nếu có ai đó muốn làm tổn hại đến chủ quyền và quyền tồn tại của Triều Tiên, chúng tôi sẽ không ngần ngại phô trương sức mạnh để phòng vệ”, KCNA dẫn tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Triều Tiên