Làm việc đêm có thể không gây ung thư vú. Một nghiên cứu được thực hiện trong thời gian khá dài chỉ ra điều này. Nghiên cứu được thực hiện với 100.000 phụ nữ Anh làm việc ban đêm.
Làm việc ban đêm . Ảnh: Technology Networks.
Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Ung thư của Anh năm 2019. Ung thư vú là căn bệnh ung thư phổ biến ở Anh, với khoảng 55.000 phụ nữ và 350 đàn ông được chẩn đoán mỗi năm.
Trong nhiều thập kỷ, người ta cho rằng làm việc ca đêm có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ. Một nghiên cứu vào năm 2007 cho thấy ca làm việc đêm làm gián đoạn chu kỳ giấc ngủ của cơ thể là nguyên nhân gây ung thư. Để có kết luận rõ ràng hơn, các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Ung thư (ICR), Anh, đã nghiên cứu dữ liệu từ 102.869 phụ nữ thường xuyên làm việc từ 22h đêm đến 7h sáng.
Các nhà khoa học phân tích một loạt biến số bao gồm: loại công việc, độ tuổi bắt đầu và kết thúc công việc làm ca, số giờ làm việc trung bình mỗi đêm, công việc có được bắt đầu trước khi mang thai lần đầu hay không... Dữ liệu cũng thu thập về các yếu tố nguy cơ ung thư vú như béo phì (BMI), mức độ hoạt động thể chất, uống rượu, tiền sử gia đình, tuổi ở giai đoạn đầu và mãn kinh, tuổi khi sinh và thời gian cho con bú.
Kết quả, 2.059 trong số 102.869 phụ nữ tiếp tục phát triển ung thư vú xâm lấn, nhưng "không tìm thấy mối liên hệ tổng thể giữa công việc ca đêm và khả năng phát triển ung thư vú".
Tiến sĩ Michael Jones và Giáo sư Anthony Swerdlow tại Viện Nghiên cứu Ung thư nhấn mạnh: "Mặc dù ca đêm có thể ảnh hưởng khác đến sức khỏe của mọi người, nhưng không liên quan với nguy cơ mắc bệnh ung thư vú".