Thứ ba, 21/5/2019, 14:56 (GMT+7)
Bệnh nhân người Thái Lan 40 tuổi được bác sĩ TP HCM đặt thuốc xổ cặp sán dây dài 2,5 và 1,5 m ra ngoài.
Người đàn ông sống tại tỉnh Bình Dương, thỉnh thoảng phát hiện có từng đoạn dẹp màu trắng dài khoảng 3-4 cm ra ngoài theo phân. Có lúc không đi tiêu, anh vẫn phát hiện những đốt trắng.
Khám tại Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng TP HCM ngày 15/5, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân nhiễm sán dây trưởng thành và chỉ định tẩy xổ sán. Hơn 3 giờ sau khi uống thuốc, bệnh nhân xổ ra hai con sán dài khoảng 2,5 và 1,5 m.
Theo các bác sĩ, đây là trường hợp ít gặp khi nhiễm cùng lúc hai sán dây trưởng thành, thường thì chỉ xổ được một con sán.
Cặp sán dây được xổ ra khỏi cơ thể bệnh nhân. Ảnh: Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng.
Cặp sán dây được xổ ra khỏi cơ thể bệnh nhân. Ảnh: Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng.
Mỗi ngày Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng tiếp nhận vài bệnh nhân nhiễm sán. Mới đây bác sĩ xổ ra con sán dài 6 m trong cơ thể chàng trai 21 tuổi và con sán dài 5,2 m ở nữ bệnh nhân 27 tuổi.
Bệnh sán dây trưởng thành thường không có biểu hiện rõ. Một số bệnh nhân hơi đau bụng, thỉnh thoảng rối loạn tiêu hóa, hơi gầy sút nếu dinh dưỡng không tốt. Sán có thể chung sống 5-10 năm mà bệnh nhân không hay biết.
Sán trưởng thành không quá nguy hiểm, trừ trường hợp sán đi ngược dòng lên dạ dày, đứt đoạn bung những cái trứng, lúc đó trở thành ấu trùng sán lợn. Ấu trùng sán lợn tùy vị trí ký sinh sẽ gây những bệnh cảnh khác nhau.
Nếu nang sán nằm trong cơ sẽ thấy có những u nhỏ, chắc, kích thước khoảng 1-2 cm, di động dễ, không ngứa, không đau. Nang sán nằm trong não, người bệnh có thể bị động kinh, liệt tay, chân hay liệt nửa người, nói ngọng, rối loạn trí nhớ hoặc đau đầu dữ dội. Nang sán nằm trong mắt có thể tăng nhãn áp, giảm thị lực hoặc mù.
Để biết xem có phải mắc bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn hay không cần dựa vào các triệu chứng bệnh như đi ngoài ra đốt sán, rối loạn tiêu hóa, đau bụng kéo dài... và các xét nghiệm. Bệnh ấu trùng sán lợn được điều trị khỏi bằng các thuốc Praziquantel và Albendazole.
Để chủ động phòng bệnh sán dây và ấu trùng sán lợn, người dân cần ăn uống các thức ăn đã được nấu chín kỹ, chế biến hợp vệ sinh. Không sử dụng thịt lợn ốm để chế biến thực phẩm. Không ăn thịt lợn tái, chưa nấu chín, nem chua sống, rau sống không đảm bảo vệ sinh.
Quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành. Sử dụng hố xí hợp vệ sinh. Không nuôi lợn thả rông. Người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi.
Lê Phương