Thật vậy, số liệu ngân sách cho thấy chính quyền trung ương và địa phương Trung Quốc có ít nhất 25,1 tỷ nhân dân tệ (tương đương 3,65 nghìn tỷ USD) chưa dùng đến trong ngân sách 2019. "Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có nhiều dư địa để triển khai các công cụ chính sách hơn so với Mỹ nếu như chiến tranh thương mại kéo dài dai dẳng, và đó là lý do để Trung Quốc tự tin", Serena Zhou – chuyên gia kinh tế tại công ty chứng khoán Mizuho Hồng Kông nhận định. "Từ chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đến vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước, rõ ràng là Trung Quốc kiểm soát nền kinh tế mạnh hơn Mỹ", bà nói.
Cả ông Trump và ông Tập đều rất coi trọng thể diện quốc gia trong thời điểm quan trọng giữa mối quan hệ Mỹ - Trung. "Cuộc đấu tay đôi" giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc có thể khiến cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới kéo dài ngoài sức tưởng tượng của mọi người. Nó đã trở thành cuộc đấu cân não giữa hai người đàn ông quyền lực nhất thế giới mà mỗi người trong số họ đều có những lợi ích chính trị không thể nhượng bộ.
Cựu đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Max Baucus nhận định: "Bắc Kinh cảm thấy không cần phải nhượng bộ. Thêm vào đó, giữ thể diện là vấn đề lớn ở Trung Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình không muốn tỏ ra lùi bước. Tôi không nghĩ người Mỹ hiểu được điều đó".
Một trong những lý do tại sao tranh chấp thương mại có thể kéo dài là vì ông Trump dường như thực sự tin rằng ông đang chiến thắng. Bị thuyết phụ bởi tính ưu việt của nền kinh tế Mỹ mạnh, có thể chịu đựng được những cú sụt giảm trên thị trường chứng khoán, thuế quan là công cụ ưa thích mà ông Trump liên tục sử dụng.
Suốt nhiều thập kỷ qua, ông Trump giữ một niềm tin sâu sắc về mối đe dọa kinh tế từ Trung Quốc. Ông trùm tài phiệt bất động sản New York nhiều lần ủng hộ các biện pháp bảo hộ trước Trung Quốc. Với niềm tin đó, ông Trump sẵn sàng đánh cược bằng sức khỏe của nền kinh tế Mỹ - tài sản chính trị tốt nhất ông ấy có được trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020.
Đối đầu thương mại với Trung Quốc cũng là cách ông Trump nhấn mạnh sự tương phản của mình với cựu Phó tổng thống Joe Biden, ứng cử viên hàng đầu cho cuộc đua vào Nhà Trắng của đảng Dân chủ vào năm 2020. Ông Biden từng phàn nàn rằng cách tiếp cận vấn đề thương mại của ông Trump là hoàn toàn sai lầm và không thực sự hiệu quả.
Tuy nhiên, ông Trump chưa thua ai trong vấn đề phản pháo những công kích. "Trung Quốc đang mơ rằng Joe Biden buồn ngủ hay bất cứ ai khác thắng cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020. Họ yêu thích việc xé toạc nước Mỹ", ông Trump mỉa mai rằng ông Biden quá yếu mềm để có thể đánh bại ông Tập Cận bình. Tổng thống cũng rất thích sự tương phản giữa mình và ông Biden.
Cuộc đối đầu đang hé lộ một sự tiến hóa địa chính trị quan trọng: Bắc Kinh không còn sợ Mỹ. Cuối tuần, Tổng thống Trump cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ hứng chịu "những tổn thất nặng nề" nếu không đạt được thỏa thuận thương mại. Đến sáng ngày hôn sau, Bắc Kinh trả lời bằng kế hoạch tăng thuế với 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Mỹ. Giống như ông Trump, ông Tập Cận Bình cũng có những áp lực chính trị của riêng mình.
Trung Quốc là một quốc gia đang rất tự hào với sự trỗi dậy của mình như một siêu cường của thế giới. Chính vì thế, ông Tập Cận Bình nói riêng và người Trung Quốc nói chung sẽ không cúi đầu chấp nhận sự bắt nạt của bất cứ nhà lãnh đạo phương Tây nào chứ đừng nói đến một Tổng thống có tiếng hiếu chiến như ông Trump.
Cựu đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Max Baucus cho rằng Mỹ đã đánh giá thấp quy mô, sức mạnh và đòn bẩy của người Trung Quốc. Bắc Kinh đang chơi một trò chơi dài hơi hơn rất nhiều so với Washington và Trung Quốc có đủ khả năng để hấp thụ những nỗi đau từ một cuộc chiến thương mại với Mỹ, dù họ cũng chẳng lấy gì làm thoải mái.
Trung Quốc hiện nắm giữ hơn 1,1 nghìn tỉ đô-la công trái (trái phiếu chính phủ) Mỹ, là chủ nợ lớn nhất của chính phủ Hoa Kỳ. Giữa lúc cuộc chiến thương mại với Mỹ đang leo thang, không ít người cho rằng, kho trái phiếu này là một vũ khí lợi hại của Trung Quốc.
Nếu Trung Quốc tính chuyện bán một phần lớn trái phiếu Mỹ, họ phải bán một lượng lớn trong một thời gian tương đối ngắn. Vấn đề là ai có đủ khả năng bỏ ra một số tiền đủ lớn để mua số trái phiếu mà Trung Quốc muốn bán? Một cường quốc tài chính, chẳng hạn Anh, qua hàng chục năm tích lũy, hiện tại cũng chỉ giữ khoảng hơn 280 tỉ đô la công trái Mỹ. Do vậy, thị trường khó có khả năng hấp thụ được một lượng lớn trái phiếu bán ra như thế.
Ngay cả khi Trung Quốc có thể thu xếp xong việc bán lượng lớn trái phiếu thì ngay lập tức giá sẽ giảm theo đúng quy luật cung cầu: Bán nhiều thì giá rẻ. Như vậy rất có khả năng, Trung Quốc sẽ bị lỗ trong phi vụ tưởng tượng này. Chưa kể, nếu hành động như vậy, không chỉ trái phiếu Mỹ sụt giá mà đô-la cũng sẽ tạm thời rẻ hơn.
Trong kho dự trữ ngoại tệ hơn 3,3 nghìn tỉ đô-la của Trung Quốc thì 2/3 là đô-la. Ai mà lại muốn tài sản của mình bị rẻ đi chứ? Đô la rẻ hơn còn có hệ quả là Nhân dân tệ tăng giá, làm giảm sự cạnh tranh của hàng xuất khẩu Trung Quốc - đồng nghĩa với thua thiệt kép cho Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại.
Kho dự trữ ngoại tệ khổng lồ của Trung Quốc nếu để trong "két sắt nhà" thì lãi suất sinh lời hàng năm là 0%. Đem cho Mỹ vay thì còn có thể sinh lời 3-4% mỗi năm. Trung Quốc cũng không thể kiếm ai khác có thể vay số tiền lớn như thế mà đảm bảo rủi ro như công khố Mỹ.
Nhật Bản với sức ảnh hưởng của mình sẽ không chịu ngồi yên để Trung Quốc tùy tiện sử dụng thứ "vũ khí" trái phiếu này. Một số chủ nợ (cỡ chính phủ) khác như Brasil (giữ 308 tỉ tiền nợ), Ireland (giữ 274 tỉ tiền nợ), Anh (giữ 284 tỉ tiền nợ), Thụy Sĩ (giữ 229 tỉ tiền nợ) cũng sẽ không chịu bó tay.
Xem ra việc đe dọa với thực hiện và xa hơn là hiệu quả thật sự là khoảng cách rất xa vời. Mỹ sẽ không xuống thang trong thương chiến vì họ coi thương chiến là cách giải quyết "hòa bình" không "đổ máu" để kiềm chế Trung Quốc, ngõ hầu bảo vệ vị trí siêu cường quốc số 1.
Nguồn: Tổng Hợp