Uống nước đá lạnh mùa nắng nóng có thể làm chậm nhịp tim. Hệ thống tiêu hóa cũng có thể ảnh hưởng do uống nước lạnh. Hệ miễn dịch phần nào bị yếu đi vì thói quen sai lầm nhiều người mắc phải này.
Vào mùa nắng, nhiều người thích uống nước đá, để giảm cơn khát và cảm thấy dễ chịu. Tuy nhiên, đó là một thói quen không lành mạnh có thể gây ra thiệt hại nhất định đến sức khỏe của của con người. Thậm chí nước đá lạnh không giúp bạn giải nhiệt cơ thể mà còn khiến chúng ta khát hơn nữa.
Uống nước lạnh vào mùa nắng nóng làm chậm quá trình tiêu hóa.
Theo trang Food.ndtv, nguyên nhân càng uống nước đá lạnh càng khát là do nhiệt độ quá thấp của nước đá khi tiếp xúc với vùng miệng hầu họng làm mát tức thời vùng này làm hệ thần kinh trung ương phản ứng ngược lại. Khi đó hệ thần kinh của chúng ta tưởng thân nhiệt giảm nên truyền tín hiệu ra lệnh co mạch và bít kín lỗ chân lông ngoài da. Hậu quả là cơ thể không được tỏa nhiệt nên sau khi uống nước đá, cơ thể cảm thấy nóng hơn.
Thêm nữa, do cơ thể chúng ta sử dụng rất nhiều năng lượng để điều hòa thân nhiệt. Do đó việc uống nước đá sẽ làm chậm quá trình tiêu hóa, khiến các mạch máu co lại và giảm tốc độ cung cấp nước cho cơ thể. Nên dù bạn có uống nước đá thì cơ thể vẫn rất khát.
Food.ndtv cũng chỉ ra 5 tác hại của việc uống nước đá lạnh vào mùa nắng nóng:
1. Hạn chế tiêu hóa
Các chuyên gia cho rằng nước lạnh và thậm chí đồ uống lạnh làm co mạch máu của bạn, do đó hạn chế tiêu hóa. Nó cũng cản trở quá trình tự nhiên hấp thụ chất dinh dưỡng trong quá trình tiêu hóa.
Khi uống nước đá lạnh, sự tập trung của cơ thể được chuyển hướng khỏi quá trình tiêu hóa khi nó cố gắng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể và nước, điều này thực sự có thể gây mất nước và khiến bạn cảm thấy khát. Nhiệt độ bình thường của cơ thể là 37 độ C, và khi bạn tiêu thụ một thứ gì đó ở nhiệt độ rất thấp, cơ thể bạn sẽ bù lại bằng cách tiêu tốn năng lượng để điều chỉnh nhiệt độ này. Năng lượng bổ sung này được sử dụng để điều chỉnh nhiệt độ ban đầu được sử dụng trong quá trình tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng. Đây là lý do tại sao chúng ta nên uống nước ở nhiệt độ phòng.
2. Đau họng
Khi uống đá lạnh vào thời tiết nắng nóng, khả năng bị đau họng và nghẹt mũi rất cao. Nguyên nhân vì uống nước đá lạnh nhiều sẽ làm khô lớp nhầy bảo vệ niêm mạc cổ họng. Nó gây nên hiện tượng bỏng lạnh, từ đó khiến cổ họng của bạn bị rát và tổn thương. Vì thế vi khuẩn dễ xâm nhập dẫn đến viêm họng cấp nguy hiểm.
3. Ức chế sự phân hủy chất béo
Các chuyên gia cũng nói rằng nếu bạn uống nước lạnh ngay sau bữa ăn, nhiệt độ lạnh sẽ làm đông cứng chất béo từ thực phẩm bạn vừa tiêu thụ, khiến cơ thể bạn khó phân hủy các chất béo không mong muốn trong cơ thể. Điều này có thể làm chậm quá trình tiêu hóa mỡ.
Dù sao thì không nên uống nước trong và ngay sau bữa ăn. Chuyên gia dinh dưỡng có trụ sở tại Bangalore, Tiến sĩ Anju Sood khuyên bạn uống 30 phút trước và sau bữa ăn.
4. Làm chậm nhịp tim
Uống nước lạnh có thể làm giảm nhịp tim. Nó tác động và kích thích dây thần kinh phế vị, tạo thành một phần quan trọng trong hệ thống thần kinh tự trị của cơ thể. Khi hệ thống thần kinh này bị ức chế, nó sẽ gây suy giảm nhịp tim.
5. Yếu tố sốc
Bạn cũng không nên uống nước lạnh sau khi tập luyện. Các chuyên gia phòng tập thể dục khuyên bạn nên uống một ly nước ấm sau khi tập luyện. Khi bạn tập luyện, có rất nhiều nhiệt được tạo ra và nếu bạn uống nước lạnh ngay sau đó, nhiệt độ trong cơ thể sẽ bị thay đổi, và ảnh hưởng đến đường tiêu hóa.
Một số người cũng phàn nàn về một cơn đau mãn tính ở dạ dày do uống nước lạnh ngay sau khi tập luyện. Điều này là do nước lạnh như tảng băng đi vào người bạn tạo thành một "cú sốc" đối với cơ thể bạn. Thêm vào đó, cơ thể bạn lúc này không thể hấp thụ nước lạnh, do đó không có tác dụng giải khát hay làm mát cơ thể.
Vì vậy, thay vì uống nước đá lạnh, bạn nên sử dụng nước ấm có nhiệt độ 27-41 độ C, đặc biệt vào buổi sáng. Nước ấm sẽ giúp loại bỏ độc tố trong cơ thể, cải thiện lưu thông máu, giảm căng thẳng, đặc biệt giảm cân hiệu quả. Bạn có thể thêm một lát chanh vào nước ấm để đạt hiệu quả cao hơn.