Các hình ảnh do vệ tinh Airbus chụp ngày 22/3 cho thấy sự xuất hiện của một chiếc cần cẩu cỡ lớn tại khu vực lò phản ứng nước nhẹ thử nghiệm (ELWR) bên trong Yongbyon, tổ hợp hạt nhân chính của Triều Tiên. Cần cẩu này không xuất hiện trong ảnh chụp hôm 19/3 và vẫn được duy trì tại đây trong bức ảnh vệ tinh gần đây nhất vào hôm 28/3. Điều này làm dấy lên đồn đoán Triều Tiên đang gia tăng hoạt động ở tổ hợp hạt nhân này.
Hình ảnh cần cẩu lớn tại tổ hợp hạt nhân Yongbyong hôm 22/3. Ảnh: 38 North.
Các chuyên gia Mỹ tại trung tâm 38 North chuyên theo dõi tình hình Triều Tiên chưa thể xác định được mục đích chính xác của cần cẩu này, nhưng dự đoán nó có thể được sử dụng để đưa vật liệu vào lò phản ứng hoặc hỗ trợ xây dựng ống thông hơi hay phục vụ một số hoạt động bảo trì khác.
Các chuyên gia cũng khẳng định không có bằng chứng trực tiếp cho thấy ELWR của cơ sở này "gần đạt tới trạng thái vận hành", trong khi hoạt động ở những khu vực còn lại tại Yongbyong đang ở mức tối thiểu.
Một nhà máy hạt nhân tại khu phức hợp Yongbyon, Triều Tiên hồi tháng 6/2008. Ảnh: Reuters.
Một nhà máy hạt nhân tại khu phức hợp Yongbyon, Triều Tiên hồi tháng 6/2008. Ảnh: Reuters.
Nằm cách Bình Nhưỡng khoảng 100 km về phía bắc, Yongbyon mang giá trị biểu tượng như "viên ngọc quý" của chương trình hạt nhân Triều Tiên. Được xây dựng vào năm 1979, tổ hợp này sản xuất plutoni và những vật liệu cần thiết khác để Triều Tiên thực hiện vụ thử bom nguyên tử đầu tiên hồi năm 2006.
Tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần hai tại Hà Nội vào cuối tháng 2, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đề xuất dỡ bỏ tổ hợp hạt nhân này để đổi lấy việc Mỹ giảm bớt các lệnh trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump và các cố vấn không chấp nhận đề xuất này, khiến hội nghị kết thúc mà không đạt được thỏa thuận như kỳ vọng.
VietBF © sưu tầm