Những thực phẩm phá hủy công dụng của thuốc kháng sinh được vietbf chia sẻ dưới đây. Dùng thuốc chúng ta cần lưu ý khi sử dụng thực phẩm. Những gì chúng ta ăn đều ảnh hưởng tới tác dụng của thuốc.
ảnh minh họa
Thuốc kháng sinh được tạo ra để tiêu diệt vi sinh vật gây bệnh, đồng thời cũng tiêu diệt cả những vi khuẩn có lợi, điều này sẽ phá vỡ sự cân bằng trong hệ tiêu hóa, dẫn đến nhiều triệu chứng. Việc sử dụng quá nhiều kháng sinh trong một thời gian dài có thể để lại nhiều hệ lụy như nhiễm trùng bàng quang, nhiễm nấm men, rối loạn tiêu hóa…
Trong quá trình uống kháng sinh có một số thực phẩm sẽ tương tác với thuốc gây tình trạng: ngăn chặn sự hấp thụ của thuốc; giảm tốc độ hấp thụ thuốc; hoặc cản trở quá trình cơ thể hấp thụ thuốc vào cơ thể.
Để không làm giảm tác dụng của thuốc, trong thời điểm uống kháng sinh bạn cần hạn chế những sản phẩm dưới đây:
Đồ ăn chua
Tránh các thức ăn và đồ uống mang tính a-xít như cam, quýt, bưởi, sô-cô-la, nước giải khát, sản phẩm từ cà chua như nước ép hay tương cà. Các thực phẩm này ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ thuốc của cơ thể.
Sản phẩm sữa (trừ sữa chua)
Canxi trong các sản phẩm sữa cản trở sự hấp thụ của thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, sữa chua là sản phẩm sữa duy nhất bạn nên ăn khi uống thuốc vì nó chứa các probiotic thúc đẩy sự phát triển của các vi khuẩn có lợi trong đường ruột, giúp cơ thể phục hồi nhanh chóng. Probiotic còn ngăn ngừa tiêu chảy - một trong các tác dụng phụ do uống thuốc kháng sinh.
Sắt và canxi
Tương tự canxi, sắt cũng ảnh hưởng đến sự hấp thụ của thuốc. Tốt nhất bạn nên uống thuốc kháng sinh cách ít nhất 3 giờ sau khi uống bổ sung sắt và canxi.
Thực phẩm giàu chất xơ
Thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt, đậu lăng và các loại đậu rất tốt cho cơ thể nếu bạn muốn giảm cân nhưng khi dùng với thuốc kháng sinh, nó sẽ làm chậm tốc độ hấp thụ thuốc.
Bia rượu
Bia rượu và chất kích thích không thực sự ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc kháng sinh nhưng chúng gây tác dụng phụ như các vấn đề về tiêu hóa và gây chóng mặt. Vì vậy, bạn nên tránh sử dụng rượu bia để cơ thể có thể hồi phục hoàn toàn.
Kháng sinh – khi nào nên uống trước, sau bữa ăn
Khi dùng kháng sinh, nên lưu ý thời gian uống thuốc để thuốc phát huy tác dụng tốt nhất.
Những loại kháng sinh nên uống xa bữa ăn
Là những loại thuốc kém bền vững trong môi trường dịch vị hoặc bị giảm hấp thu do thức ăn. Nên uống 1 giờ trước bữa ăn hoặc 2 giờ sau bữa ăn. Gồm có: nhóm penicillin (penicillin V, ampicillin, amoxycillin... ). Nhóm cephalosporin (cefuroxime, cefixim...). Nhóm macrolid (clarythromycin, azithromycin, erythromycin...).
Những loại kháng sinh uống trong hoặc ngay sau bữa ăn
Là những loại không bị giảm hấp thu do thức ăn, gồm có: nhóm quinolon (milosacin, rosoxacin, ciprofloxacin...). Nhóm nitroimidazol (metronidazol, tinidazol...). Nhóm cyclin (tetracyclin, doxycyclin...).
Riêng loại viên bao tan trong ruột, không kể thuộc nhóm kháng sinh nào đều không bị ảnh hưởng bởi bữa ăn nhưng tốt nhất vẫn nên uống lúc đói với 1 cốc nước nguội).