Tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên có nguy cơ đổ vỡ khi Triều Tiên đột ngột rút khỏi văn phòng liên lạc liên Triều tại thành phố Kaesong. Tuy nhiên, Hàn Quốc khẳng định, sẽ vẫn duy trì hoạt động tại văn phòng liên lạc và tiếp tục thúc đẩy các dự án liên Triều.
Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết, trong cuộc gặp giữa các quan chức phụ trách văn phòng liên lạc liên Triều ngày 22.3, Triều Tiên đã thông báo với Hàn Quốc về việc rút khỏi Nhà Hòa bình - văn phòng liên lạc liên Triều tại thành phố Kaesong nằm ở biên giới Triều Tiên - Hàn Quốc, theo chỉ thị từ cấp trên. Ngay sau đó, Bình Nhưỡng đã thực thi mệnh lệnh này.
Thứ trưởng Bộ thống nhất Hàn Quốc Chun Hae-sung cho biết, đội ngũ nhân viên gồm khoảng 40 - 50 người của Hàn Quốc tại Nhà Hòa bình, trong đó có Phó Chánh văn phòng Kim Chang-su sẽ tiếp tục túc trực tại đây, bất kể việc Triều Tiên rút đi. Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, Bình Nhưỡng đã bảo đảm hợp tác với Seoul nhằm cho phép các nhân viên của Hàn Quốc tiếp tục ra vào khu vực này.
Bày tỏ hy vọng văn phòng liên lạc chung sẽ được vận hành bình thường, Bộ Thống nhất cũng khẳng định, Hàn Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy các dự án hợp tác liên Triều.
Văn phòng liên lạc hai miền bán đảo Triều Tiên được mở ở thành phố Kaesong ngày 14.9.2018, trước thềm chuyến thăm Bình Nhưỡng của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myong Gyon khi đó gọi đây là “một biểu tượng khác cho hòa bình được kiến tạo bởi miền Nam và miền Bắc”.
Động thái của Bình Nhưỡng diễn ra trong bối cảnh lộ trình hòa bình và phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên rơi vào thế bế tắc, sau khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai, diễn ra tại Hà Nội cuối tháng 2, không đi đến thỏa thuận nào. Các nhà phân tích cho rằng, việc Bình Nhưỡng rút khỏi văn phòng liên lạc liên Triều nhằm tăng sức ép lên Seoul, trong bối cảnh tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên gặp khó khăn, nhất là khi Bộ Tài chính Mỹ công bố bản cập nhật các lệnh trừng phạt Triều Tiên, liệt kê 67 tàu đã giúp vận chuyển trái phép dầu mỏ với các tàu chở dầu hoặc được cho là đã xuất khẩu than của Triều Tiên.
Mintaro Oba, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định, “Triều Tiên là bậc thầy về gây áp lực. Rõ ràng họ thấy động thái này là cần thiết để gửi thông điệp đến cả Mỹ và Hàn Quốc”, sau khi Mỹ - Triều không đạt được tiến bộ trong Hội nghị Thượng đỉnh lần hai tại Hà Nội. Ông Oba cho rằng, việc Triều Tiên rút khỏi văn phòng liên lạc không có nghĩa các nỗ lực đàm phán đang sụp đổ mà đây có thể là chiến thuật nhằm gây áp lực để Seoul và Washington nhượng bộ. Cheon Seong-whun, cựu cố vấn an ninh của Tổng thống Hàn nhận xét, động thái của Triều Tiên dường như phản ánh sự thất vọng vì Triều Tiên từng cho rằng Hàn Quốc có thể thuyết phục Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt.
Trong cuộc gặp Thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội, Triều Tiên muốn Mỹ nới lỏng trừng phạt nhưng Washington khước từ. Trong khi đó, Mỹ muốn Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn trước khi dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Bình Nhưỡng. Ngày 15.3, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui cho biết, Triều Tiên không có ý định khuất phục trước những yêu cầu Mỹ đưa ra trong Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai dưới bất kỳ hình thức nào, cũng như không sẵn sàng thúc đẩy các cuộc đàm phán theo hướng này. Thứ trưởng Choe thúc giục chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thay đổi sách lược trong đàm phán hạt nhân, và nhấn mạnh Bình Nhưỡng không có ý định nhân nhượng. Bà Choe còn cho biết thêm, Triều Tiên sẽ sớm đưa ra quyết định về việc có tiếp tục theo đuổi đàm phán và kiềm chế tiến hành thử nghiệm hạt nhân/tên lửa hay không.
VietBF © sưu tầm