Tai nạn máy bay Ethiopia gây chấn động thế giới. Bởi vì đây là dóng máy bay hiện đại của hãng. Qua tai nạn thương tâm này mới thấy được "căn bệnh" thế kỷ của mạng xã hội Trung Quốc.
Hôm thứ Ba (12/3), mạng xã hội hàng đầu Trung Quốc Weibo đã dừng hoạt động một số tài khoản từng buông lời sỉ nhục một cô gái trẻ bị thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay của Eithiopian Airlines vừa qua.
"Chúng tôi nhận được thông tin rằng có những nội dung công kích một nạn nhân của vụ rơi máy bay," một thông báo trên Weibo viết. "Chúng tôi đã kiểm tra và đóng cửa một số tài khoản có công kích cá nhân và ác ý. Làm ơn tôn trọng người đã khuất và thảo luận một cách phù hợp".
Chỉ vài phút sau khi cất cánh, chuyến bay mang số hiệu ET302, từ Addis Ababa đi Nairobi đã bị rơi; khiến toàn bộ 157 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Trong số 8 nạn nhân mang quốc tịch Trung Quốc, có một nữ sinh viên 22 tuổi đến từ tỉnh Triết Giang.
Hiện trường vụ tai nạn máy bay của Ethiopian Airlines (ảnh: getty)
Cộng đồng mạng đã nhanh chóng tìm ra trang Weibo của cô gái xấu số. Sau những bình luận ban đầu thể hiện sự thương tiếc, một số người dùng Internet đã đi xa hơn khi từ những bức ảnh đăng tải, họ phát hiện ra bối cảnh gia đình giàu có của nạn nhân.
Kể từ đây đã xuất hiện những bình luận ác ý nhằm vào cô gái trẻ. Một người viết: "Khi tôi nhìn thấy cô sống trong một khách sạn có giá vài nghìn tệ một đêm, ăn đồ ăn ngon mỗi ngày và có thể ngay lập tức đến Kenya chỉ để xem hươu cao cổ, mặc dù tôi sẽ không vui khi cô gặp bất hạnh, nhưng tôi cũng sẽ không thương xót cô".
Weibo của nạn nhân cùng với hơn 10 tài khoản khởi xướng công kích, đều đã bị đóng cửa.
Zhang Feng, một cây bút bình luận của Tencent News đánh giá, vụ công kích không thể coi là một hành động mang tính cá nhân hay chỉ nhất thời, mà đó là "một căn bệnh chung trong kỷ nguyên này".
Tình trạng công khai đổ lỗi cho nạn nhân đang diễn ra ngày càng thường xuyên tại Trung Quốc.
Tháng 10 năm ngoái, một chiếc xe buýt bị rơi xuống sông Dương Tử sau khi một hành khách đánh nhau với lái xe – khiến 13 người thiệt mạng. Không ít bình luận trên mạng đã cho rằng, các nạn nhân xứng đáng với định mệnh của mình, do không chịu ngăn cản vụ cãi vã ngay từ đầu.
Xa hơn, hồi tháng 5/2018, một nữ tiếp viên bị giết trong khi sử dụng dịch vụ gọi xe bằng ứng dụng Didi Chuxing. Thay vì bày tỏ cảm thông, một số người cho rằng, một phụ nữ trẻ xinh đẹp không nên một mình gọi taxi vào buổi tối.
Có ý kiến chỉ ra, việc truyền thông đưa tin về cuộc sống riêng tư của các nạn nhân, đã góp phần dẫn tới tình trạng trên. Sau vụ tai nạn máy bay tại Ethiopian, một phóng viên của tờ Nhật báo Giới trẻ Bắc Kinh đã cố gắng liên lạc với một người bạn của nữ sinh viên xấu số. Tuy nhiên, người bạn này đã công khai đăng tải tin nhắn của phóng viên kia lên Weibo và gọi cô này là "ăn tiệc trên máu của người đã khuất".