Con robot lớn nhất thế giới hiện là đoàn tàu lửa tự hành đang hoạt động tại vùng Pilbara, bang Tây Úc của nước Úc.
Tập đoàn đa quốc gia Rio Tinto (trụ sở tại Anh) gần đây khai trương tuyến đường sắt hoàn toàn tự động, cho phép tàu lửa có thể chạy từ mỏ đến cảng mà không cần sự can thiệp của con người. Đoàn tàu mất khoảng 40 giờ để hoàn thành quãng đường 800 km - tính luôn cả chặng đi lẫn chặng về và thời gian bốc dỡ hàng hóa.
Người phát ngôn Rio Tinto cho trang tin Digital Trends biết đây là tuyến đường sắt hạng nặng, dài và hoàn toàn tự động đầu tiên trên thế giới. Được đề xuất 10 năm trước, dự án AutoHaul nói trên có kinh phí khoảng 940 triệu USD và được kỳ vọng cải thiện năng suất và sự linh hoạt trong quá trình vận chuyển giữa 16 mỏ quặng sắt và 2 cảng trên quãng đường 1.700 km.
Đoàn tàu lửa tự hành đang hoạt động tại vùng Pilbara, bang Tây Úc của nước Úc Ảnh: DIGITAL TRENDS
Lý do khiến Rio Tinto chuyển sang tàu lửa tự hành là để tạo sự đồng bộ, tăng hiệu quả công việc và nâng cao tính an toàn. Đồng thời, công ty cũng không phải vận chuyển tài xế tàu lửa qua lại vùng Pilbara 1,5 triệu km mỗi năm bằng đường bộ để đổi ca.
Trước mắt, sự ra đời của robot "khủng" nói trên không có nghĩa người lái tàu sẽ bị sa thải hàng loạt. Thay vào đó, Rio Tinto khẳng định họ vẫn cần thiết cho những công việc ở sân bãi, vận chuyển nhiên liệu và xây dựng, bảo trì...
Tàu lửa tự hành chỉ là một trong những phương tiện giao thông ra đời nhờ những đột phá trong các lĩnh vực như robot và trí tuệ nhân tạo. Chúng ta đang có những chiếc thuyền tự hành, máy bay không người lái (UAV) và ôtô bay. Trong tương lai gần, vào những năm 2020, con người có thể sẽ chứng kiến nhiều phương tiện giao thông khác làm thay đổi cách chúng ta đi lại.
VietBF © sưu tầm