Dự án hoàn thành bản đồ đại dương đã có cách đây 2 năm. Việc làm bản đồ dưới đại dương giúp chúng ta hiểu hơn về hành tinh mình đang sống. Hơn thế, việc này giúp các nghiên cứu về biển trở nên dễ dàng hơn nhiều.
Với các chuyên gia lập bản đồ đại dương, quả là điều mỉa mai không nhỏ khi chúng ta hiểu biết về bề mặt của mặt trăng và sao Hỏa còn nhiều hơn đáy biển ở hành tinh mình.
Bí ẩn lớn
Đại dương bao phủ hơn 70% bề mặt trái đất nhưng hơn 80% diện tích đáy đại dương chưa được lập bản đồ hoặc khám phá, theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA). "Các bạn có thể tưởng tượng di chuyển hay làm bất cứ điều gì trên mặt đất mà không có bản đồ không?" - ông Larry Mayer, từ Trung tâm Bản đồ thủy văn ven biển và đại dương (CCOM, trụ sở ở Mỹ), nêu vấn đề.
Với nhiều miệng hố sâu và dãy núi, đáy đại dương bao la vẫn còn là một bí ẩn với con người. Tuy nhiên, tình hình có thể thay đổi nếu dự án Seabed 2030, được Liên Hiệp Quốc (LHQ) hậu thuẫn, thành công. Dự án này đang kêu gọi các quốc gia và công ty tập hợp dữ liệu để lập bản đồ toàn bộ đáy đại dương trước năm 2030. Bản đồ này sau đó sẽ được chia sẻ miễn phí cho mọi người.
"Rõ ràng là chúng ta cần nhiều sự hợp tác từ các cá nhân và tổ chức khác nhau. Chúng tôi cho rằng đây là một dự án đầy tham vọng nhưng hoàn toàn khả thi" - bà Mao Hasebe, chuyên gia của Quỹ Nippon (Nhật Bản), nhận định. Dự án được triển khai vào năm 2017 nói trên dự kiến kinh phí khoảng 3 tỉ USD, theo Reuters. Đây là dự án hợp tác giữa Quỹ Nippon và GEBCO - hiệp hội phi lợi nhuận tập hợp các chuyên gia từng tham gia lập bản đồ đại dương.
Đến thời điểm hiện tại, những bên đóng góp dữ liệu lớn nhất cho Seabed 2030 là các công ty - đặc biệt là Công ty Thăm dò năng lượng Fugro (Hà Lan) và Công ty Lập bản đồ đáy biển Ocean Infinity (Mỹ). Theo ông Mayer, quá trình lập bản đồ đại dương được tiến hành cách đây rất lâu và Thái tử Monaco Albert I là người đầu tiên làm điều này một cách toàn diện hồi năm 1903. Phương pháp thô sơ được sử dụng khi đó là buộc một khối chì vào đầu sợi dây và thả xuống nước để đo độ sâu. Sau Thế chiến II, công nghệ phản xạ tiếng vang được ứng dụng nhưng thành quả cũng chỉ là "một bức tranh mờ".
Ngày nay, giới khoa học có thể khảo sát đáy đại dương hiệu quả, chi tiết và nhanh hơn rất nhiều nhờ các công nghệ tiên tiến, như thủy âm, phương tiện không người lái dưới nước, robot… "Với công nghệ thủy âm hiện đại, chúng ta như thực sự nhìn được đáy biển. Tôi nghĩ chúng ta đã thoát khỏi kỷ nguyên mù lòa dưới đáy biển" - ông Robert Larter, chuyên gia địa vật lý biển thuộc Trung tâm Khảo sát Nam Cực của Anh, khẳng định.
Nỗ lực khám phá biên giới cuối cùng của trái đất, nếu thành công, sẽ mang lại lợi ích lớn về khoa học, như nâng cao hiểu biết về sự đa dạng hóa sinh học của đại dương và khí hậu. Trong một thế giới đang nóng dần lên, nó sẽ cho chúng ta biết chính xác hơn về mực nước biển khi băng tan và giúp đưa ra cảnh báo về những cơn sóng thần chết chóc sắp xảy ra.
Cú hích về kinh tế cũng lớn không kém. Theo thống kê của Tổ chức Hàng hải quốc tế, hơn 90% giao thương toàn cầu được thực hiện thông qua đường biển nên việc đi lại an toàn là động lực không nhỏ cho sứ mệnh lập bản đồ đại dương. "Nếu tàu bị mắc cạn, đó là một ngày tồi tệ đối với kinh tế, môi trường và cả thuyền trưởng" - ông Mayer chia sẻ.
Phương tiện điều khiển từ xa Deep Discoverer của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ trong lần khảo sát dãy núi ngầm Musicians ở Thái Bình Dương hồi cuối năm 2017 Ảnh: NOAA
Tranh chấp địa chính trị
Cũng theo giới chuyên gia, bản đồ đáy đại dương còn giúp ích trong bối cảnh các quốc gia và công ty tìm cách bảo vệ hoặc khai thác tài nguyên biển, từ thăm dò dầu khí đến lắp đặt cánh đồng quạt gió và cáp quang internet. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế nhận định kinh tế biển đóng vai trò ngày càng quan trọng trong những năm tới, ước tính đóng góp khoảng 3.000 tỉ USD cho kinh tế thế giới vào năm 2030, so với mức 1.500 tỉ USD năm 2010.
Sự ra đời của Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 cho phép các quốc gia xác định thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của họ. Theo ông Larter, điều này đã khơi mào cuộc đua lập bản đồ và tuyên bố chủ quyền lãnh thổ. Vì thế, ông Julian Barbiere - thành viên Ủy ban Hải dương học liên chính phủ (IOC) thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) - lo ngại sau khi các nước hợp tác chia sẻ dữ liệu để lập bản đồ đáy đại dương, họ có thể sử dụng kiến thức mới để chống lại nhau trong các cuộc tranh chấp địa chính trị.
"Đã xảy ra căng thẳng ở một số nơi trên thế giới và nó xuất phát từ nhiều lý do, trong đó có quyền tiếp cận tài nguyên" - ông Barbiere cho hay. Chuyên gia này tiết lộ thêm rằng một số quốc gia không muốn chia sẻ dữ liệu cho dự án Seabed 2030, chủ yếu là nỗi lo an ninh quốc gia hoặc liên quan đến những khu vực xảy ra căng thẳng địa chính trị. "Đang có rất nhiều dữ liệu chưa được công bố. Chúng tôi hy vọng có thể thay đổi quan điểm của các quốc gia và thuyết phục họ đóng góp dữ liệu" - ông Barbiere bày tỏ.
Một nỗi lo lớn khác là cuộc đua khai thác các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt, như khoáng sản hoặc cá, đang tạo ra xung đột mới liên quan đến quyền sở hữu những "kho báu" dưới biển với giá trị ước tính tổng cộng lên đến hàng ngàn tỉ USD. Trong bối cảnh các quốc gia "khát khoáng sản" muốn tìm kiếm nguồn coban, đồng và niken mới để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ dân số đang tăng nhanh, họ sẽ chi hàng tỉ USD phát triển và thử nghiệm hàng loạt công nghệ mới để khai thác nguồn tài nguyên bao la nằm sâu dưới đáy biển.
Các nhà hoạt động vì môi trường cảnh báo việc tăng cường khai thác tài nguyên biển ẩn chứa nhiều rủi ro và có thể gây thiệt hại không thể đảo ngược đối với môi trường. Theo giới chuyên gia, đại dương là một khu vực "bị xao lãng" trong công tác quản trị toàn cầu bất chấp sự ra đời của UNCLOS và cam kết của 193 nước thành viên vào năm 2015 về việc bảo vệ và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên biển.
VietBF © Sưu Tầm