Chính xác hơn thì đây là nhà hàng của người gôc Cần Thơ. Nhà hàng này đã đãi những người Mỹ phục vụ đất nước.
Anh Richard Nguyễn đang nói chuyện với đài truyền hình bên trong tiệm phở Nam Việt. (WUSA 9)
Một nhà hàng Việt Nam quen thuộc ở ngoại ô thành phố Arlington, tiểu bang Virginia đã được một đài truyền hình đến phỏng vấn nhân dịp Tết Kỷ Hợi vừa qua, và nội dung của bài viết nói lên một truyền thống có ý nghĩa đang được duy trì và phát triển tại cơ sở kinh doanh cha truyền con nối này.
Trong hình lưu niệm không rõ ngày, ông Nguyễn Văn Thới (giữa) chụp chung với các cựu tù bình Hoa Kỳ, trong đó có ông John McCain (bên trái). (WUSA 9)
Nhà hàng có tên là Nam Việt Restaurant. Trang web của nhà hàng cho biết tiệm ăn này chuyên cung cấp các món Việt mà người Mỹ quen ăn như phở, chả giò, và đặc biệt hơn nữa là nhà hàng nấu nhiều món của người Cần Thơ, vì chủ quán là người gốc Cần Thơ. Ông Nguyễn Văn Thới đã từ giã cõi trần, nhưng các con của ông đã tiếp tục duy trì một truyền thống của nhà hàng Nam Việt mà đài Mỹ muốn nêu ra cho khán giả được biết. Dưới đây là phần tóm lược bản tin của đài WUSA 9/CBS, được đăng ngày 11 tháng 2, 2019, của hai ký giả Andie Judson và Nicholas Garbaty.
*
Bước vào Nam Việt, một nhà hàng Việt Nam nằm ở ngoại ô Arlington, bạn sẽ choáng ngợp bởi những hương vị hấp dẫn của truyền thống nấu ăn Việt Nam, của bánh phở tự làm và của chả giò được cuốn sẵn.
Anh Richard Nguyễn đứng bên ngoài tiệm ngày nay. (WUSA 9)
Hương vị thơm ngon này sẽ làm cho khách phải thèm ăn, nhưng đối với một nhóm người đàn ông lớn tuổi, nhà hàng còn là một nơi mang đến sự bình yên trong tâm hồn.
Kể từ năm 1986, những người đàn ông này đã từ nhiều nơi gần cũng như xa đến nhà hàng Nam Việt để dự một bữa ăn hàng năm rất đặc biệt đối với họ. Trong những vị khách hàng năm này từng có cả cựu Nghị Sĩ John McCain và bạn thân của ông là Orson Swindle. Hai người này không chỉ là bạn, họ còn là cựu tù binh chiến tranh và từng bị giam chung tại Hà Nội. Sau khi sống sót từ lao tù cộng sản Việt Nam và trở về quê hương, ông Orson Swindle đã giữ chức Giám Đốc Ủy Ban Mậu Dịch Liên Bang. Ông John và ông Orson cùng với các cựu chiến binh khác đã kết với nhau từ những kinh nghiệm từng trải trong cuộc chiến Việt Nam.
Tiệm Nam Việt trong một hình xưa (WUSA 9)
Sự việc chọn một nhà hàng Việt Nam làm nơi hội ngộ mỗi năm cho các cựu tù binh chiến tranh Việt Nam là điều bình thường, nhưng việc chọn tiệm Nam Việt mới là điều đáng nói. Chủ nhân của tiệm bán phở này, ông Nguyễn Văn Thới, đã là người mang đến ý nghĩa cho cuộc gặp gỡ mỗi năm của các cựu chiến binh Mỹ.
Ông Thới từng là thông dịch viên cho quân đội Hoa Kỳ, và sau năm 1975, ông bị chế độ cộng sản bắt giam vào trại tù cải tạo ngay trên quê hương của ông. Vào năm 1979, ông vượt biển tìm tự do và đến Hoa Kỳ mở nhà hàng.
Ông Nguyễn Văn Thới vượt biển rời Việt Nam năm 1979. (WUSA 9)
Bảy năm sau đó, ông Orson Swindle tình cờ bước vào tiệm của ông Nguyễn Văn Thới để hỏi về việc tổ chức tiệc hội ngộ cho các cựu tù bình chiến tranh Việt Nam. Hai ông cùng chia sẻ những kinh nghiệm trong cuộc chiến chống cộng sản để bảo vệ tự do. Họ kết thân với nhau, và ông Thới đã đề nghị tổ chức tiệc hội ngộ miễn phí hàng năm cho các cựu tù binh Mỹ.
Anh Richard Nguyễn, con của ông Thới, nói với đài truyền hình về mối liên hệ giữa cha với ông Orson và các cựu tù binh, “Tiệc hội ngộ là dịp chữa lành vết thương tâm lý cho họ. Thật là hân hạnh cho chúng tôi khi được thấy một nhóm cao niên ở tuổi 60, 70 ngồi với nhau và nhớ lại những kỷ niệm thời niên thiếu, thời mới trên 20 tuổi, thời phải đến một quốc gia khác để chiến đấu và trở về quê hương, để rồi gặp nhau ở nơi đây.”
Với năm tháng trôi qua, tuổi già đã ảnh hưởng đến nhóm cựu tù binh này. Số người đến dự tiệc mỗi năm một ít đi. Nhiều người đã không thể đến dự tiệc hội ngộ trong những năm sau này, vì sức khỏe không cho phép họ du hành đến nơi xa, hoặc vì họ đã qua đời. Trong những người vắng mặt có cả ông Nguyễn Văn Thới. Ông mất vì bệnh tim. Thế nên truyền thống tổ chức tiệc hội ngộ cho các cựu tù binh Việt Nam được trao cho anh Richard Nguyễn.
Anh nói với WFAA, “Trong một gia đình Á Châu, nếu có một truyền thống cần được duy trì, thì chúng tôi rất hân hạnh được làm chuyện đó. Thế nhưng cũng có ngày tôi thức dậy và tự hỏi mình, Nếu truyền thống này quá nặng nề, khiến tôi bị đè bẹp thì làm sao đây?”
Với số cựu tù binh đến dự mỗi năm một ít hơn, anh Richard quyết định tìm một cách mới để vẫn duy trì một truyền thống mà cha đã truyền cho anh cũng như cho các cháu của ông, đồng thời gìn giữ tinh thần của ông trong hình thức khác.
Như thân phụ đã làm, anh Richard muốn vinh danh tất cả những ai đã phục vụ đất nước cũng như phục vụ cộng đồng. Do đó, anh cùng các thành viên trẻ nhất trong gia đình đã đưa các món ăn nổi tiếng của Nam Viet Restaurant đến bên ngoài tiệm. Vào đêm Giáng Sinh 2018 vừa qua, nhà hàng Nam Việt đã mang thức ăn đến cho các nhân viên làm việc trong bệnh viện và trong các sở cứu hỏa.