Ngày 15/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia ở biên giới phía nam với Mexico để có thể xây tường biên giới mà không cần sự phê chuẩn của quốc hội. Tuy nhiên, động thái này có thể khiến ông Trump vướng vào các thách thức pháp lý.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Getty)
Theo New York Times, trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp từ Vườn hồng bên trong Nhà Trắng, Tổng thống Trump cho biết ông sẽ ký thông qua lệnh khẩn cấp quốc gia để bảo vệ đất nước khỏi làn sóng người nhập cư trái phép, ngăn chặn những kẻ buôn ma túy, tội phạm vào Mỹ qua biên giới Mexico.
Tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia cho phép ông Trump chuyển 3,6 tỷ USD từ ngân sách dành cho các dự án quân sự sang kế hoạch xây tường biên giới, giới chức Nhà Trắng cho biết. Ngoài ra, ông Trump cũng sẽ sử dụng thẩm quyền của tổng thống về ngân sách để trích 2,5 tỷ USD từ các chương trình liên bang, 600 triệu USD từ quỹ của Bộ Tài chính Mỹ.
Cùng với khoản ngân sách hơn 1,3 tỷ USD dành cho các hoạt động đảm bảo an ninh biên giới được quốc hội thông qua trong tuần này, ông Trump sẽ có khoảng 8 tỷ USD dùng cho kế hoạch xây tường biên giới. Con số này cao hơn so với mức gần 6 tỷ USD mà ông đề xuất trước đó.
Cũng trong ngày hôm qua, Tổng thống Trump đã ký thông qua dự thảo cấp ngân sách cho một số cơ quan của chính phủ nhằm ngăn chặn chính phủ Mỹ đóng cửa một phần một lần nữa.
Động thái của ông Trump ngay lập tức đã vấp phải phản ứng gay gắt, đặc biệt từ đảng Dân chủ. Các lãnh đạo Dân chủ đã ra thông cáo chỉ trích tuyên bố khẩn cấp quốc gia của ông Trump là hành động vi hiến và cảnh báo ông Trump sẽ phải đối mặt với các thách thức pháp lý.
“Đây đơn thuần là sự tiếm quyền lực của một tổng thống bị thất vọng, ông ấy đă vượt ra ngoài các giới hạn của luật pháp để cố đạt được những ǵ ông ấy không đạt được trong một tiến tŕnh hợp hiến”, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Lãnh đạo Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer nói trong một tuyên bố chung.
Thống đốc California Gavin Newsom cho biết, California sẽ kiện chính quyền Tổng thống Trump vì quyết định ban bố lệnh khẩn cấp quốc gia. "Tổng thống Trump đang tạo ra một cuộc khủng hoảng, tuyên bố lệnh khẩn cấp quốc gia để chiếm quyền và qua mặt hiến pháp. Thông điệp của chúng tôi gửi đến Nhà Trắng rất đơn giản và rõ ràng là: California sẽ khởi kiện chính quyền".
Tổng chưởng lý New York Letitia James cũng cho biết, văn phòng của bà sẽ theo đuổi vụ kiện Tổng thống. "Chúng tôi sẽ không ủng hộ hành động lạm quyền này và sẽ đấu tranh bằng mọi công cụ pháp lý sẵn có", bà James viết trên Twitter.
Về phần mình, Tổng thống Trump thừa nhận ông sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức pháp lý khi ban bố lệnh khẩn cấp quốc gia. "Tôi nghĩ sẽ phải đối mặt với các vụ kiện. Tôi không đáng bị kiện. Chúng tôi sẽ chiến thắng tại Tòa án tối cao", ông Trump nói.
Quốc hội Mỹ hoàn toàn có thể thông qua một nghị quyết chấm dứt hiệu lực của lệnh khẩn cấp quốc gia do Tổng thống ban bố. Tuy nhiên, nghị quyết này sau khi được biểu quyết tại lưỡng viện vẫn sẽ phải đệ trình lên Tổng thống Trump và ông có thể sẽ lại phủ quyết. Để vô hiệu hóa quyền phủ quyết của Tổng thống cần 2/3 phiếu ủng hộ ở quốc hội.
Xây tường biên giới nhằm ngăn làn sóng người nhập cư trái phép là một trong những cam kết mà ông Trump đưa ra trong chiến dịch tranh cử năm 2016. Kế hoạch này của ông Trump đã vấp phải không ít chỉ trích và thậm chí khiến chính phủ Mỹ phải đóng cửa một phần hơn một tháng do bất đồng về ngân sách.
VietBF © sưu tầm