Sau INF bị hủy, châu Âu lạnh người nhìn chạy đua vũ trang Nga-Mỹ. Chính vì Mỹ hủy Hiệp ước INF, Nga có sẵn kế hoạch phát triển hai loại vũ khí siêu vượt âm và yêu cầu đi vào hoạt động trước năm 2021.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ngày 5/2 đã giao nhiệm vụ cho các quan chức quốc phòng nước này về việc phát triển hai phiên bản phóng từ mặt đất cho tên lửa hành trình Kalibr và tên lửa tấn công siêu xa.
"Trong giai đoạn 2019-2020, chúng ta phải phát triển bản phóng từ mặt đất của tên lửa hành trình Kalibr. Cũng trong khoảng thời gian này, chúng ta phải tạo ra tên lửa siêu vượt âm tầm xa. Tất cả các công đoạn nghiên cứu, chế tạo phải hoàn thành cuối năm 2019, hiệu chỉnh trong năm 2020 và biên chế vào năm 2021" - Bộ trưởng Shoigu chỉ đạo.
Đây được cho là động thái đáp trả mạnh mẽ nhất của Nga sau khi Mỹ tuyên bố vào hôm 1/2 về việc rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân tầm trung (INF) trong vòng 6 tháng trừ khi Moscow chấp nhận phá hủy tên lửa vi phạm.
Ngay lập tức, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố ngừng tuân thủ mọi thỏa thuận theo INF và yêu cầu quân đội Nga nhanh chóng nghiên cứu phát triển các thế hệ tên lửa mới
Tên lửa hành trình Kalibr của Nga hiện chỉ có phiên bản phóng từ chiến hạm và từ các máy bay chiến đấu
Thực chất, Kalibr là loại tên lửa hành trình với tầm bắn năm trong phạm vi hạn chế của Hiệp ước INF. Tuy nhiên hiệp ước này chỉ có điều kiện với các loại tên lửa được phóng theo dạng Modul trên mặt đất, vì thế, Kalibr hiện chỉ có phiên bản trang bị cho hải quân và các máy bay chiến đấu.
Điều này là tương tự với các tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ. Tuy nhiên, cả Washington và Moscow đang cho thấy họ sẵn sàng đưa hai loại tên lửa hành trình chủ lực, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân này lên bờ ngay lập tức.
Sự đối đầu giữa Nga và Mỹ lúc này đã mở ra một nguy cơ chạy đua vũ trang mới. Tuy nhiên, người ở tình thế hiểm nghèo nhất lúc này không phải một trong hai đối thủ đang thủ thế với nhau, mà chính là châu Âu trước nguy cơ trở thành sàn diễn chính cho cuộc chạy đua vũ trang giữa hai bên.
Bởi thứ nhất, nếu Nga muốn động tới lãnh thổ của Mỹ (và hướng ngược lại), cả hai đều đã sở hữu những loại tên lửa có tầm bắn siêu xa. Những gì bị ràng buộc trong INF chỉ nằm trong phạm vi của châu Âu, không thể vượt Thái Bình Dương để đến được với lục địa Mỹ.
Ngoài ra, nếu Nga thực sự muốn gây chiến với Mỹ, họ sẽ tận dụng sức mạnh của hạm đội tàu ngầm của mình. Đây cũng là quân bài chiến lược trong trụ cột hạt nhân của quân đội Nga. Bản thân quân đội hai quốc gia này từ lâu đã có đầy đủ những loại vũ khí để đặt toàn bộ lãnh thổ của đối thủ vào tầm bắn.
Mỹ và Nga đều sẵn sàng cho một cuộc chạy đua vũ trang mới, chỉ có châu Âu là lặng người
Tuy nhiên, mục đích thực sự mà Mỹ muốn theo đuổi khi hủy bỏ Hiệp ước INF này không nhằm vào kiềm chế Nga, mà muốn siết chặt sợi dây ràng buộc với các đồng minh châu Âu của mình.
Từ sau Chiến tranh lạnh kết thúc, cho đến nay, mối quan hệ giữa EU và Nga đã có nhiều cải thiện. Tuy nhiên, những nhà lãnh đạo châu Âu vẫn đang mơ hồ sở hữu một nỗi sợ hãi mang tên nước Nga. Sự trỗi dậy mạnh mẽ những năm qua của Nga càng làm khắc sâu nỗi sợ hãi ấy.
Và hiện tại, khi Hiệp ước INF đã bị Mỹ tự tay xé bỏ, điều này đồng nghĩa với việc toàn bộ lãnh thổ châu Âu đang bị đặt vào tầm bắn của những quả tên lửa mà trước đây không được phép xuất hiện.
Như vậy, châu Âu sẽ đứng trước hai vấn đề: Hoặc tiếp tục sợ hãi Nga và tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang mà Mỹ sắp theo đuổi với Nga. Hoặc tự đào thải mối quan hệ với Mỹ và tìm kiếm những sự hợp tác tích cực hơn với Moscow.
Tuy nhiên, phương án thứ hai sẽ rất khó thực hiện. Phương Tây vẫn đang ràng buộc với nhau về nhiều lợi ích, nhiều quan điểm địa chính trị và họ không thể sớm tìm được quyền tự quyết và thoát ly hoàn toàn với Mỹ.
Tên lửa 9M729 của Nga - được Mỹ cáo buộc đã vi phạm nghiêm trọng Hiệp ước INF, dẫn tới việc hủy bỏ thỏa thuận này
Trong khi đó, nhiều quốc gia trong NATO vẫn đang tự tin sống dựa vào chiếc ô bảo vệ quân sự của Mỹ. Vì thế, châu Âu sẽ đứng trước viễn cảnh trở thành sàn diễn chính trong cuộc chạy đua vũ trang lần này giữa Nga và Mỹ.
Việc Nga nhanh chóng theo đuổi một cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ, từ việc đưa Kalibr lên mặt đất, cho đến phát triển các loại tên lửa siêu thanh... chỉ cho thấy Mỹ đã đạt được bước đầu tiên trong chiến lược INF lần này của họ: Tiếp tục khắc họa ngáo ộp Nga để dọa châu Âu.
Và tiếp theo sau đó, các nước thành viên của NATO sẽ tiếp tục lựa chọn: Hoặc tự phát triển kho vũ khí tên lửa tầm trung để đối đầu với những mối đe dọa từ Nga, hoặc tiếp tục nhận sự bảo trợ của Mỹ và chấp nhận cho tên lửa Mỹ hiện diện tại lãnh thổ của mình.
Đây mới là mục đích sâu xa mà Mỹ hướng tới: Ràng buộc chặt chẽ những đồng minh của mình và không cho họ có cơ hội thoát ra. Thực tế, những Pháp, Đức đã nhen nhúm tư tưởng thoát ly khỏi NATO và tự thành lập một quân đội chung cho châu Âu. Nhưng ý tưởng đó chưa kịp thành hình, Mỹ đã có bước đi khôn ngoan hơn để nắm yết hầu đồng minh của họ