Hiện J-20 là tiêm kích hiện đại nhất của Trung Quốc. Thế nhưng nó có điểm yếu ở động cơ và thiết kế có thể bị ngay cả máy bay đời cũ hạ gục.
Không quân Trung Quốc tháng 11/2018 gây ấn tượng mạnh với giới chuyên gia quân sự quốc tế khi lần đầu phô diễn tiêm kích tàng hình J-20 được trang bị vũ khí trong triển lãm hàng không Chu Hải. Hai tiêm kích J-20 bay qua đầu khán giả với cửa khoang vũ khí mở toang, cho thấy 4 tên lửa đối không tầm trung dưới bụng và hai tên lửa đối không tầm ngắn ở sườn máy bay, thể hiện uy lực tấn công của loại chiến đấu cơ hiện đại nhất trong biên chế không quân nước này.
"J-20 là tiêm kích hạng nặng thế hệ 4 có khả năng tàng hình, còn gọi là chiến đấu cơ thế hệ 5, với nhiều tính năng vượt trội với các máy bay trước đó. Nhiệm vụ chính của J-20 là chiếm ưu thế trên không, đánh chặn tầm trung và xa, hộ tống, tiến công sâu trong lãnh thổ đối phương", Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) viết trong tài liệu quảng cáo tiêm kích tàng hình J-20 được công bố hồi tuần trước.
Phần lớn vai trò được quảng bá này của J-20 đều đã được các chuyên gia phương Tây nhận định trước đây, khi họ cho rằng đây là mẫu chiến đấu cơ chuyên đánh chặn và tiến công tầm xa của không quân Trung Quốc. Tuy nhiên, họ tỏ ra hoài nghi về năng lực chiếm ưu thế trên không của J-20, bởi những điểm yếu còn tồn tại trên chiến đấu cơ này có thể khiến nó thất thế trước những tiêm kích đời cũ hơn, theo Business Insider.
Justin Bronk, chuyên gia tại Viện Quân sự Hoàng gia Anh, tỏ ra ấn tượng với thiết kế hiện đại và khả năng mang vũ khí của mẫu tiêm kích này. "J-20 là nền tảng chiếm ưu thế trên không vượt trội hơn hẳn so với các chiến đấu cơ trong biên chế không quân Trung Quốc hiện nay. Nó sở hữu radar mạnh, mang được nhiều vũ khí trong thân và có bán kính tác chiến lớn", Bronk nhận xét.
Chiếc J-20 phô diễn khoang vũ khí trong thân tại triển lãm cuối năm 2018. Ảnh: SCMP.
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc nó có thể đối phó hiệu quả với các tiêm kích thế hệ 4 cũ hơn như Eurofighter Typhoon của châu Âu, F-15 Mỹ hay Su-30 và Su-35S Nga. "Tỷ lệ lực đẩy trên khối lượng, khả năng cơ động và hiệu suất ở độ cao lớn của nó khó lòng sánh được với tiêm kích phương Tây hay của Nga", Bronk nói thêm.
Trung Quốc là quốc gia thứ hai trên thế giới đưa tiêm kích tàng hình vào biên chế. J-20 được coi là mối đe dọa nghiêm trọng khi làm nhiệm vụ đánh chặn và tiến công tầm xa trên biển, nhưng điều này chưa được Bắc Kinh thể hiện trong thực tế.
Thiết kế J-20 có thể gây nhiều khó khăn cho radar đối phương trong việc phát hiện và bám bắt mục tiêu. Tuy nhiên, khả năng tàng hình của nó chỉ thực sự hiệu quả ở bán cầu trước, khi chiếc J-20 ở trạng thái đối mặt với radar gắn trên tiêm kích đối phương.
Khi không chiến, các tiêm kích không phải lúc nào cũng đối mặt với nhau, mà thường giao chiến theo kiểu truy đuổi. Khi lâm vào thế bị rượt đuổi, những phần thân phía sau kém hiệu quả tàng hình hơn sẽ đẩy J-20 vào thế bất lợi khi bị bộc lộ trước radar đối phương và dễ dàng trở thành mục tiêu bị ngắm bắn.
Tư lệnh không quân Ấn Độ Arup Shaha hồi giữa năm ngoái tiết lộ tiêm kích Su-30MKI hoạt động trên không phận nước này đã sử dụng radar gắn trên máy bay để phát hiện, theo dõi những chiếc J-20 Trung Quốc huấn luyện ở khu vực Tây Tạng mà không cần các hệ thống cảnh báo sớm cồng kềnh.
Tiêm kích Su-30MKI trong biên chế không quân Ấn Độ. Ảnh: Wikipedia.
Động cơ cũng là điểm yếu hạn chế đáng kể sức mạnh của tiêm kích tàng hình Trung Quốc, nhất là trong tình huống không chiến tầm gần. Bắc Kinh từng gặp nhiều trở ngại và sự cố đáng xấu hổ khi phát triển động cơ phản lực nội địa WS-15, vốn được kỳ vọng sẽ giúp J-20 đạt khả năng chiến đấu ngang ngửa với dòng F-22 và F-35 Mỹ.
Các nguồn tin giấu tên ở Trung Quốc cho biết động cơ WS-15 vẫn không đạt độ ổn định trong các thử nghiệm kéo dài hàng trăm giờ như yêu cầu, buộc J-20 vẫn phải trang bị động cơ AL-31F do Nga sản xuất, vốn được gắn trên các tiêm kích thế hệ 4. Nhiều chuyên gia trong rằng Bắc Kinh vẫn cần thêm nhiều năm để hoàn thiện động cơ nội địa cho tiêm kích thế hệ 5.
"Khi so sánh với F-15C và Typhoon, tiêm kích J-20 có diện tích phản xạ radar (RCS) thấp hơn nhưng khả năng cơ động lại thua kém. Tên lửa đối không của nó cũng khó có thể đạt hiệu quả như mẫu AIM-120C7 Mỹ hay Meteor của châu Âu", Bronk nói thêm.
Tiêm kích F-15C Mỹ trong một chuyến bay huấn luyện. Ảnh: Wikipedia.
Trung Quốc đang đạt nhiều bước tiến trong phát triển tên lửa đối không và liên tục thử nghiệm các biến thể vũ khí mới cho tiêm kích J-20. Điều này có thể giúp thu hẹp khoảng cách công nghệ với Nga và phương Tây trong vài năm tới, nhưng nó vẫn không đủ để biến J-20 thành tiêm kích toàn diện, đủ sức đánh bại đối phương trong các cuộc không chiến.
"J-20 là bước nhảy lớn của ngành hàng không Trung Quốc, đủ sức đe dọa sức mạnh quân đội Mỹ nhờ khả năng đánh chặn và tiến công tầm xa nhằm vào căn cứ chiến lược của Washington. Tuy nhiên, trong vai trò chiếm ưu thế trên không, máy bay Mỹ và đồng minh vẫn có thể dễ dàng đánh bại tiêm kích tàng hình Trung Quốc", Bronk kết luận.
VietBF © sưu tầm