Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đang ở thăm Trung Quốc. Thậm chí ông ta còn đón sinh nhật lần thứ 35 tại Bắc Kinh. Bắc Kinh kế lớn, họ sử dụng Triều Tiên làm đòn bẩy trong cuộc đấu tổng hợp với Washington.
Ông Kim hành trình bằng tàu hỏa bọc thép. Trước đó một ngày, đoàn tàu hỏa chở ông Kim vượt qua cầu bắc trên sông Áp lục, tiến vào lãnh thổ Trung Quốc. Tất cả khách lưu trú tại các khách sạn ở biên giới Trung Quốc có cửa sổ hướng ra phía sông Áp Lục đã không được vào phòng của mình trong suốt buổi chiều ngày thứ hai. Điều này dường như thường diễn ra mỗi lần nhà lãnh đạo Triều Tiên đáp tàu thăm Trung Quốc. Và đây là chuyến thăm thứ tư của ông Kim tới Trung Quốc từ năm ngoái tới nay.
Chuyến xuất hành 4 ngày đầu năm của ông Kim liệu có thể mở ra một cơ hội mới, lấy lại đà cho tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên? Đó là câu hỏi đặt ra cho năm 2019.
Chuyến thăm thứ 4 của ông Kim Jong-un tới Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)
Trung Quốc đã trở thành chỗ dựa chắc chắn hơn về vật chất và tinh thần để Bình Nhưỡng tiến hành cuộc cọ xát trí lực với Mỹ và phần nào với Hàn Quốc trong cuộc đấu tranh chính trị và ngoại giao.
Trả lời trong buổi phỏng vấn trên CNBC vào ngày 7/1, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, mặc dù Mỹ và Trung Quốc có các bất đồng liên quan thương mại, nhưng Trung Quốc vẫn ủng hộ việc phi hạt nhân hóa. Ngoại trưởng Mỹ nói: "Chúng tôi đánh giá cao Bắc Kinh là đối tác tốt trong nỗ lực giảm căng thẳng đối với thế giới trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Tôi mong đợi điều này sẽ tiếp tục".
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng bày tỏ hy vọng chuyến thăm của nhà lãnh đạo Kim Jong-un và cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Tập Cận Bình có thể đóng góp vào mục tiêu chiến lược nhằm tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn tại bán đảo Triều Tiên.
Trong khi quan hệ Triều-Trung được tăng cường, thì quan hệ Triều-Mỹ đang dẫm chân tại chỗ, mặc dù các nhà ngoại giao hai nước có nhiều cuộc gặp làm việc.
Giới quan sát quốc tế dự đoán, quá trình đàm phán phi hạt nhân hóa trong năm 2019 sẽ diễn biến phức tạp và khó lường trong việc thu hẹp bất đồng trên các vấn đề nguyên tắc, cách tiếp cận và phương hướng thực hiện các mục tiêu đã được thỏa thuận tại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore tháng 6/2018. Không loại trừ đàm phán kéo dài và không đạt được kết quả thực chất trong năm 2019. Thậm chí, tới một thời điểm nào đó, tình hình có thể trở lại căng thẳng và đối đầu như trước đây.
Mỹ sẽ muốn Triều Tiên thỏa hiệp hơn nữa với các hành động cụ thể. Theo đánh giá của Harry J. Kazianis, Giám đốc nghiên cứu quốc phòng tại Trung tâm lợi ích quốc gia Mỹ, "Nhà lãnh đạo Kim Jong-un từng nói với chính quyền Tổng thống Trump rằng, ông có các lựa chọn kinh tế và ngoại giao khác bên cạnh những gì Washington và Seoul đưa ra đề nghị".
Nhưng Bình Nhưỡng cũng muốn đạt được thỏa hiệp nhiều nhất từ nhiệm kỳ của Tổng thống Trump trước khi nước Mỹ bị cuốn hút vào mùa cử tổng thống năm 2020. Triều Tiên sẽ thận trọng đưa ra các cam kết cụ thể và cũng muốn nhận được những kết quả cụ thể về nới lỏng cấm vận hoặc một hiệp định hòa bình giữa Triều Tiên với Mỹ và Hàn Quốc. Trong tiến trình ấy, Bình Nhưỡng sẽ lúc tiến, lúc thoái. Bình Nhưỡng cũng muốn có những đảm bảo chắc chắn rằng, bất kỳ một thỏa thuận song phương nào cũng có hiệu lực bất luận là nhân vật nào lên cầm quyền ở Mỹ.
Vào lúc này, Washington phủ quyết bất kỳ nỗ lực nào từ phía Trung Quốc và Nga vận động nới lỏng các biện pháp cấm vận quốc tế để đáp lại các hợp tác của Bình Nhưỡng. Mỹ sẽ ép các nước khác thực thi cấm vận cho tới khi quá trình phi hạt nhân hóa đạt được kết quả có kiểm chứng.
Sự can dự của các nước lớn liên quan như Trung Quốc và Nga, cũng như sự phối hợp thiếu chặt chẽ giữa Mỹ với Nhật Bản và Hàn Quốc, có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình đàm phán nhằm đạt đến giải pháp cuối cùng.
Trung Quốc có dư địa để gây ảnh hưởng đến tình hình trên bán đảo Triều Tiên. Trong vòng đàm phán an ninh ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc tháng 11 năm ngoái tại Washington, hai bên đã "cam kết tiếp tục phối hợp và thực hiện đầy đủ, nghiêm chỉnh các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc" về Triều Tiên.
Trong dịp tiếp bộ trưởng ngoại giao Triều Tiên đang ở thăm Bắc Kinh đầu tháng 12/2018, Chủ tịch Tập Cận Bình nói với nhà ngoại giao cấp cao Triều Tiên rằng, ông "mong muốn Triều Tiên và Mỹ mỗi bên đi một nửa đoạn đường và đáp ứng các mối quan tâm chính đáng của nhau, nhằm đạt được kết quả tích cực trong các cuộc đàm phán về hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên".
Cách tiếp cận của Trung Quốc phần nào đã khác trước, cân bằng với cả hai bên. Trong tình hình Mỹ xử tệ với Trung Quốc, vấn đề Triều Tiên trở thành đòn bẩy trong cuộc đấu tranh tổng hợp với Washington./.