Đó chính là nghề nuôi rắn độc. Nghe đến đến rắn, mà lại rắn độc ai cũng sợ toát mồ hôi, nhưng với lão nông Nguyễn Văn Nhuần ở thôn 5, xã Cẩm Quang (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) lại là câu chuyện khác. Ông đã vượt qua nỗi sợ hãi, bằng tất cả kỹ năng của mình, mỗi năm lão nông chất phác đút túi hơn 100 triệu đồng từ những loài rắn độc này.
Như bao gia đình khác ở vùng đất độc canh cây lúa xã Cẩm Quang, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, những năm trước, dù nỗ lực, lam lũ hết mình, đời sống của gia đình ông Nguyễn Văn Nhuần ở thôn 5 không có của ăn của để gì. Không chấp nhận sống cảnh nhọc nhằn mãi, ông Nhuần cho con trai Nguyễn Văn Thịnh xuất ngoại, làm thuê. Đồng tiền làm thuê có khá hơn ở quê, nhưng nhìn lại vẫn bấp bênh, không bền vững.
Lão nông Nguyễn Văn Nhuần tay không kiểm tra trọng lượng một con rắn.
Những ngày ở nước ngoài anh Thịnh để ý nhiều đến nghề nuôi rắn ở nước bạn. Nhìn cơ sở nuôi mọc lên trên vùng đất tương đồng với quê nhà khiến anh Thịnh thêm thích thú. Những chuyến đi đến cơ sở nuôi rắn càng dày hơn, giúp anh nung nấu quyết tâm về quê cùng gia đình triển khai mô hình nuôi rắn.
Nghe con đi nước ngoài về nói nghỉ hẳn không xuất ngoại nữa mà ở nhà chăn nuôi, lại nuôi con rắn độc, gia đình ông Nhuần...giật mình. Không giật mình, lo lắng sao được khi vốn liếng không có, đặc biệt là nuôi con rắn độc thì gia đình ông chưa thấy tại địa phương và vùng phụ cận bao giờ. Để thuyết phục bố mình, ngoài tài liệu sách báo, anh Thịnh đã trực tiếp dẫn cha lặn lội tìm đến một cơ sở nuôi rắn ở tỉnh Vĩnh Phúc mà anh đã ghé thăm trong hành trình mở mang, học hỏi thêm kiến thức.
Ông Nhuần và con trai vừa xây thêm 350 chuồng nhỏ để tăng nuôi số lượng đàn, tăng thu nhập.
Sau chuyến học khôn, ông Nhuần đã vay mượn đầu tư hơn 100 triệu đồng mua vật liệu xây dựng chuồng trại, đồng thời, liên hệ với cơ quan chức năng xin giấy phép, làm thủ tục nuôi rắn. Đến khoảng tháng 10/2014, 18 chuồng rắn- diện tích khoảng 80 m2 đảm bảo tuyệt đối rắn không lọt ra ngoài môi trường gây nguy hiểm cho người dân- được hoàn thành.
Lứa đầu tiên gia đình ông Nhuần thả gần 450 con rắn giống hổ trâu và hổ mang.
Thành công nào mà không qua khởi đầu gian nan, vất vả. Dù sách báo, các mô hình mà ông ghé thăm đều cho thấy, nuôi rắn không quá khó vì ít bệnh, ít tốn thức ăn, nhưng thực tế hoàn toàn không hẳn như vậy. "Những lứa đầu không được suôn sẻ cho lắm, do kỹ thuật nuôi còn hạn chế, lượng rắn chết không ít” - ông Nhuần chia sẻ. Nhưng cứ qua mỗi vụ nuôi ông Nhuần và con trai rút được nhiều bài học, tích lũy thêm được kinh nghiệm nuôi rắn.
Những con rắn hổ mang, hổ trâu đang chờ xuất bán trong chuồng.
Kinh nghiệm mà ông Nhuần và con trai rút ra được là điều tiết thức ăn cho rắn. “Rắn chỉ ăn thức ăn tự nhiên như cóc, chuột. Một con rắn trưởng thành chỉ ăn hết khoảng nửa con chuột và 2 ngày mới phải cho ăn 1 lần; còn đến mùa đông, mỗi con chỉ ăn khoảng nửa con chuột trong… 1 tháng. Điều tiết thức ăn chuẩn đã giúp con rắn phát triển tốt. Mỗi năm rắn đẻ 2 lứa vào tháng 5 và tháng 7, mỗi con đẻ khoảng 15 - 20 trứng/lứa"- ông Nhuần chia sẻ.
Điều làm ông Nhuần và con trai hứng thú hơn với con rắn là con nuôi dễ dàng được tiêu thụ, nuôi được bao nhiêu khách hàng mua hết bấy nhiêu với giá cả có lãi cao sau khi trừ chi phí.
“Hiện tại, mô hình còn khoảng 200 con rắn trưởng thành, đang độ tuổi sinh sản. Trên thị trường, giá rắn thịt khoảng 700 nghìn đồng/kg, còn trứng rắn dao động từ 100 - 120 nghìn đồng/quả, có bao nhiêu khách hàng mua hết bấy nhiêu. Nuôi rắn cái đẻ trứng cho lãi cao, tính ra, 1 con mỗi năm có thể đẻ từ 30 - 40 quả trứng, cho doanh thu 3 - 4 triệu đồng. Hàng năm, trừ các khoản chi phí, kể cả tiền tái đầu tư, mở rộng chuồng trại, gia đình thu lãi ròng trên 100 triệu đồng từ 200 con rắn”- ông Nhuần cho biết.
Ông Nhuần bên các chuồng nuôi rắn của gia đình mình.
Có nguồn thu, hiện ông Nhuần và con trai đang xây dựng thêm 350 chuồng nhỏ để nuôi rắn sinh sản, cho rắn ấp trứng để tự nhân giống thay vì phải mua con giống như trước đây. Rút kinh nghiệm mấy năm nuôi trước, ông Nhuần cho khoanh vùng, đắp thêm một số hầm đất vừa tạo không gian sống cho rắn, vừa để tránh rét.
Điều đáng nói nữa ở người đàn ông chất phác thành công với nghề nuôi rắn này ở đất Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) là ông sẵn sàng cung cấp rắn giống và kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi nếu người dân muốn nhân rộng mô hình. “Đúng là con rắn có độc, nhưng nếu cẩn thận và cả yếu tố gan dạ, biết cách tiếp cận thì con rắn cũng là con nuôi rất bình thường, có hiệu quả kinh tế cao. Với điều này thì tôi có thể chia sẻ cho mọi người ngay”- ông Nhuần chia sẻ thêm.