Hiện nay thái độ của Mỹ vô cùng cứng rắn với Trung Quốc. Tại APEC, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cảnh báo khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nên cẩn trọng trước chính sách ngoại giao bẫy nợ của Trung Quốc. Ông cũng khẳng định rằng Mỹ có thể cung cấp lựa chọn tốt hơn cho khu vực này.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cảnh báo các nước ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương không rơi vào vòng ngoại giao bẫy nợ của Trung Quốc và khuyến khích họ chọn phương án tốt hơn từ tài chính Mỹ. Ông Pence đưa ra cảnh báo trong một bài phát biểu "cứng rắn" ngày 17/11 tại sự kiện bên lề hội nghị cấp cao APEC.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence phát biểu tại cuộc gặp các lãnh đạo doanh nghiệp bên lề APEC, sau bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: AP)
"Không vành đai thắt chặt hay con đường một chiều"
“Chúng tôi không nhấn chìm các đối tác của mình trong biển nợ. Chúng tôi không ép buộc hoặc đe dọa đến sự độc lập của bạn. Chúng tôi không đưa ra vành đai thắt chặt hay con đường một chiều” – ông Pence nói, gần như rõ ràng nhắm đến sáng kiến đầu tư cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Phát biểu trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Papua New Guinea, Phó Tổng thống Pence nói Mỹ có cách tiếp cận theo nguyên tắc với các dự án tài chính cơ sở hạ tầng ở khu vực, hoàn toàn đối lập với hành vi “cướp bóc” của một số quốc gia không được nhắc tên nào đó, theo Straits Times.
“Một số người đưa ra những khoản vay đầu tư cơ sở hạ tầng cho các chính phủ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và các khu vực rộng lớn hơn, nhưng điều khoản của những khoản vay đó thường rất mờ mịt. Các dự án họ hỗ trợ thường thiếu bền vững và có chất lượng nghèo nàn. Và thường họ mang theo những ràng buộc và dẫn đến nợ nần đáng kinh ngạc” – ông Pence nói, trong bài phát biểu diễn ra ngay sau bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
“Hãy để tôi nói điều này bằng sự tôn trọng tới tất cả các quốc gia dọc khu vực rộng lớn này và cả thế giới: Đừng chấp nhận những khoản nợ nước ngoài có thể ảnh hướng đến chủ quyền của bạn. Hãy bảo vệ lợi ích của bạn. Bảo vệ độc lập của bạn. Và giống như Mỹ, hãy luôn đặt đất nước của bạn lên trên hết” – Phó Tổng thống Mỹ nói thêm.
Trong bài phát biểu, Phó Tổng thống Mike Pence đưa ra những nguyên tắc làm cơ sở cho tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở cửa và tự do: tự do trên vùng biển và vùng trời, tôn trọng chủ quyền của các nước khác và tự do cá nhân.
Lãnh đạo khu vực lo ngại phải chọn "phe"
Theo Straits Times, các khán giả trong khu vực có thể thấy những ý tưởng của Mỹ đi theo hướng hoàn toàn trái ngược với cách ngoại giao của Trung Quốc, dù ông Pence nhấn mạnh điều ông nói không loại trừ quốc gia nào.
Bên cạnh đó, ông cho biết Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông, những bài tập hải quân mà Trung Quốc kêu gọi Mỹ dừng lại. “Mỹ sẽ tiếp tục duy trì quyền tự do vùng biển và vùng trời rất cần thiết cho sự thịnh vượng của chúng tôi. Chúng tôi sẽ tiếp tục bay và đưa tàu vào những nơi quốc tế cho phép, khi lợi ích quốc gia cần. Quấy rối sẽ chỉ khiến chúng tôi quyết tâm hơn. Chúng tôi sẽ không thay đổi điều này.”
Ngoài ra, Phó Tổng thống Mỹ còn thông báo sẽ làm việc để thúc đẩy xã hội dân sự, luật lệ và chính phủ minh bạch. Ông thông báo một chương trình Ấn Độ - Thái Bình Dương minh bạch trị giá 400 triệu USD để giúp các công dân chống lại nạn tham nhũng và củng cố chủ quyền của họ.
ASEAN và các lãnh đạo khu vực đang lo ngại sẽ phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc, bên cạnh đó căng thẳng giữa hai quốc gia sẽ làm ảnh hưởng đến ổn định chung. Ông Pence thừa nhận mối lo này và cho biết Mỹ đang hướng đến mối quan hệ tốt hơn với Trung Quốc, dựa trên sự công bằng, có đi có lại và tôn trọng chủ quyền.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự định gặp tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina cuối tháng 11, cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi đối đầu thương mại trả đũa qua lại trở nên căng thẳng.
“Chúng tôi tin rằng hai nước có thể đạt được sự tiến triển, dù Mỹ đang ở một vị trí mạnh. Trung Quốc được chúng tôi coi trọng trong tầm nhìn về một Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở cửa, nếu họ chọn tôn trọng chủ quyền của những người hàng xóm, chấp nhận thương mại tự do, công bằng và có đi có lại, bảo đảm nhân quyền và tự do.”
Phó Tổng thống Mỹ nhắc lại lời cảnh báo sẽ chống lại các hành vi thương mại không công bằng, nói Trung Quốc đã lợi dụng Mỹ nhiều năm liền bằng các chương trình thuế, ép chuyển giao công nghệ, ăn cắp tài sản trí tuệ và trợ cấp doanh nghiệp nội địa. “Chúng tôi đã đánh thuế 250 tỷ USD hàng Trung Quốc và còn có thể làm gấp đôi số đó. Nhưng chúng tôi hy vọng tình hình tốt hơn. Mỹ sẽ không thay đổi hướng đi cho đến khi Trung Quốc thay đổi.”