Nga và Mỹ đã có những bất đồng liên quan đến Triều Tiên. Ngày 17/9, trong cuộc họp tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Mỹ và Nga đã tranh cãi về việc thực thi các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên.
Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley. (Nguồn: Getty Images)
Tại cuộc họp, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley cáo buộc Nga "gian lận" các chế tài của Liên hợp quốc đối với Triều Tiên, đồng thời cho biết Washington có "bằng chứng rõ ràng và rộng rãi về các vi phạm" của Moskva trong việc thực hiện các biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn đối với Bình Nhưỡng.
Theo quan chức Mỹ, sự vi phạm của Nga "mang tính hệ thống," trong đó có việc vận chuyển các hàng hóa trong danh mục bị cấm, chủ yếu là dầu, từ tàu của Nga sang tàu Triều Tiên.
Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc cũng cho rằng Nga muốn phát triển tuyến đường sắt nối Triều Tiên với Hàn Quốc để xuất khẩu than từ vùng Viễn Đông của nước này tới các cảng của Hàn Quốc, và Moska đã ngăn cản Washington liệt vào danh sách đen các tàu của Nga dính líu đến việc vận chuyển dầu tinh chế trái phép cho Triều Tiên.
Trước đó, Washington đã đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp khẩn sau khi Đại sứ Haley cho rằng Moskva đã gây sức ép buộc các chuyên gia của Liên hợp quốc thay đổi một báo cáo độc lập, trong đó cáo buộc Nga vi phạm các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên.
Tuy nhiên, phía Nga đã phản bác cáo buộc trên, cho rằng động thái này mang "động cơ chính trị."
Theo Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia, kế hoạch xây tuyến đường sắt không vi phạm các nghị quyết trừng phạt và tàu của Nga không dính dáng đến việc vận chuyển dầu.
Ông nêu rõ Moskva không gây sức ép đối với các chuyên gia của Liên hợp quốc và Đại sứ Haley đang làm gia tăng căng thẳng.
Bên cạnh đó, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc còn cho rằng Washington đã ngăn cản các bước đi nhằm cải thiện quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, đồng thời đề nghị phía Mỹ thúc đẩy hợp tác và đối thoại liên Triều.
Giới phân tích cho rằng việc đối đầu công khai giữa Mỹ và Nga về Triều Tiên tại cuộc họp này cho thấy sự rạn nứt giữa 15 thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, vốn từng nhất trí thúc đẩy các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng kể từ năm 2006 nhằm ngăn cản các khoản tài trợ chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này.
Cũng tại cuộc họp, Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Mã Triều Húc kêu gọi thực thi các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Triều Tiên.
Tuy nhiên, ông đồng thời nhắc lại quan điểm nếu tiến trình phi hạt nhân hóa đạt tiến triển, các biện pháp trừng phạt cần được dỡ bỏ.
Ông nhấn mạnh "đối đầu sẽ chỉ dẫn đến đường cụt," vì vậy, cần tăng cường các biện pháp ngoại giao nhằm chấm dứt bế tắc hiện nay trên Bán đảo Triều Tiên.