Đổ bao công của vào Trung Đông, Mỹ có chấp nhận trắng tay? Cuộc tấn công vào sào huyệt thánh chiến Idlib sắp diễn ra, chỉ đợi giờ. Liệu Mỹ có bất lực nhìn Syria nói riêng và vùng Trung Đông nói chung dần dần lọt vào tầm kiểm soát của Iran và Nga? Báo Mỹ Wall Street Journal nhận xét.
Binh sĩ Nga lắp vũ khí lên chiến đấu cơ trước giờ xuất kích tại chiến trường Syria
Binh sĩ Nga lắp vũ khí lên chiến đấu cơ trước giờ xuất kích tại chiến trường Syria
Trong những ngày qua, Nhà Trắng, cũng như đích thân tổng thống Donald Trump đã liên tục cảnh báo về một thảm họa nhân đạo ở Idlib, đe dọa Damascus là Mỹ và các đồng minh sẽ đáp trả "nhanh chóng và thích đáng" nếu tổng thống Assad một lần nữa sử dụng vũ khí hóa học để tấn công.
Nhưng đằng sau những lời cảnh cáo đó, người ta vẫn không thấy có bóng dáng một chiến lược nào của tổng thống Donald Trump về Syria. Mỹ đã từng hai lần phát động các cuộc không kích ồ ạt vào Syria tháng 4/2017 và tháng 4/2018 để trừng phạt chế độ Damascus, sau khi cáo buộc lực lượng của tổng thống Assad sử dụng vũ khí hóa học đối với thường dân Syria. Tuy nhiên, những cuộc tấn công trừng phạt đó đã không thể làm thay đổi cục diện cuộc chiến. Tổng thống Assad và hai đồng minh Nga, Iran nay đang trên đường kiểm soát toàn bộ Syria.
Theo phân tích của The Wall Street Journal, tổng thống Donald Trump đã từng tuyên bố là một khi thành phố Raqqa được giải phóng khỏi tay lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo, ông sẽ triệt thoái quân Mỹ khỏi Syria. Thế nhưng, sau đó tổng thống Mỹ mới thấy là việc triệt thoái sẽ gây ra những hậu quả trầm trọng về chiến lược đối với các lợi ích Mỹ trong khu vực.
Một trong những vấn đề là nếu quân Mỹ rút đi, Iran sẽ biến Syria thành một căn cứ nằm sát biên giới Israel. Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton đã từng yêu cầu Iran rời khỏi Syria, và nhờ Matxcơva gây áp lực lên Teheran theo hướng này. Nhưng Iran và Nga đáp lại rằng họ đã nghe tổng thống Trump nhiều lần hứa triệt thoái khỏi Syria mà vẫn không làm, vậy tại sao Iran phải rút đi.
Trong khi đó, đồng minh của Mỹ là Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 7/9 họp thượng đỉnh với Nga và Iran ở Teheran để quyết định về các bước kế tiếp ở Syria, nhằm bảo đảm các lợi ích riêng của ba nước này. Theo The Wall Street Journal, tổng thống Assad và các đồng minh Nga Iran sẽ không dừng ở Idlib, mà mục tiêu tấn công kế tiếp của họ sẽ là lực lượng người Kurd và Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), hai đối tác chính của lực lượng đặc nhiệm Mỹ tại khu vực sông Euphrate tại Syria.
Có nguy cơ là lực lượng người Kurd và Lực lượng Dân chủ Syria sẽ thương lượng ngừng bắn với chế độ Damascus để khỏi chịu chung số phận với Idlib. Trong trường hợp đó, lực lượng Mỹ sẽ bị cô lập ở Syria và như vậy sẽ buộc phải rút đi, dẫn đến việc Iran sẽ làm chủ được khu vực đó, bất chấp những tuyên bố của tổng thống Trump là bằng mọi giá phải ngăn chặn tham vọng khu vực của Teheran.
Theo The Wall Street Journal, Mỹ phải trấn an lực lượng người Kurd và Lực lượng Dân chủ Syria là Mỹ sẽ bảo vệ họ nếu họ bị tấn công, đồng thời phải vạch ra một chiến lược dài hạn để kiềm chế Iran.
Trước mắt, cũng giống như chính quyền Obama trước đây, chính quyền ông Donald Trump nay chỉ có thể đưa ra những lời cảnh cáo, đe dọa, chứ không thể làm gì hơn. Nói cách khác, với cuộc tấn công vào sào huyệt thánh chiến Idlib, Mỹ đang bất lực nhìn Syria nói riêng và vùng Trung Đông nói chung dần dần lọt vào tầm kiểm soát của Iran và Nga.
Trong khi đó, Almasdar News cho biết: Thổ Nhĩ Kỳ đã điều khoảng 300 chiến xa, gồm nhiều xe tăng, xe chở bệ phóng hỏa tiễn đa nòng và xe chiến đấu bộ binh, tiến vào Syria qua cửa khẩu Kafr Losen, hướng đến tiền tuyến của quân nổi dậy ở Idlib và Hama.
Các nhân chứng cho biết, binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ mang theo nhiều hệ thống tên lửa phòng không vác vai khi tiến vào Syria. Đây là những vũ khí có thể đe dọa các loại chiến đấu cơ tầm thấp nếu thực hiện các vụ không kích mục tiêu ở Idlib.
Thổ Nhĩ Kỳ quyết định tung quân vào Idlib sau khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan ngày 8/9 kêu gọi một lệnh ngừng bắn ở Syria vì lo sợ chiến dịch quân sự tại đây sẽ dẫn đến khủng hoảng nhân đạo và người tị nạn sẽ tràn qua biên giới nước này. Ông tuyên bố không muốn Idlib trở thành một "bể máu" và tuyên bố bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào Idlib cũng sẽ dẫn tới thảm họa.
Nhưng đề xuất ngừng bắn ở Idlib của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị Tổng thống Nga Vladimir Putin bác bỏ tại hội nghị ba bên ở Iran, cho rằng lệnh ngừng bắn là vô nghĩa vì không có đại diện phiến quân Hồi giáo trong cuộc họp này.