Vietbf.com - Trung Quốc thật bẽ mặt khi bị quốc đảo Nauru (đồng minh của Đài Loan) đã từ chối cấp thị thực cho hộ chiếu ngoại giao của đại biểu Trung Quốc tại PIF, khiến suýt chút nữa đã khiến Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF) bị đình trệ, nhờ quốc đảo nhỏ này đã thay vào đó chỉ chấp nhận hộ chiếu thường.
Quốc đảo Nauru không có mối quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, mà lại có quan hệ với Đài Loan. Ảnh: Chính quyền Đài Loan
Theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP - Hồng Kông), vừa qua quốc đảo Nauru (một đồng minh của Đài Loan tại Thái Bình Dương) đã "tung chiêu" gây khó dễ đối với các nhà ngoại giao Trung Quốc, trong bối cảnh Bắc Kinh liên tục gây sức ép với Đài Bắc và lôi kéo các đồng minh của đảo này.
Cụ thể, Nauru đã từ chối cấp thị thực cho hộ chiếu ngoại giao của đại biểu Trung Quốc, và thay vào đó chỉ chấp nhận hộ chiếu thường.
SCMP cho biết cuộc tranh cãi gần đây về vấn đề thị thực giữa Trung Quốc và quốc đảo nhỏ này suýt chút nữa đã khiến Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF) bị đình trệ.
PIF là hội nghị thượng đỉnh thường niên lớn nhất tại Thái Bình Dương, với sự tham gia của 18 quốc gia trong khu vực. Nauru là nước chủ nhà tổ chức hội nghị năm nay.
Tuy không phải là quốc gia thành viên của PIF, nhưng đại diện của Trung Quốc vẫn có mặt tại diễn đàn này với tư cách là "đối tác đối thoại".
Tưởng chừng như đó chỉ là một hành động nhỏ, nhưng khá nhiều quốc gia tham gia PIF - hầu hết là các đối tượng đã nhận viện trợ phát triển và vay vốn ưu đãi của Bắc Kinh - đã lên án gay gắt chính phủ Nauru.
Sau khi hội nghị trên chính thức bắt đầu, một số bức thư của các nước tham gia đã bị rò rỉ ra ngoài, trong đó có nội dung đe dọa sẽ tẩy chay hội nghị PIF vì hành động gây khó dễ các đại biểu Trung Quốc của chính phủ Nauru.
Trong số các quốc gia chỉ trích gay gắt hành động của Nauru có Samoa. Theo SCMP, trong bức thư gửi Tổng thống Nauru Baron Waqa, Thủ tướng Samoa Tuilaepa Sailele Malielegaoi đã viết:
"Hành động đơn phương của ông với tư cách là Tổng thống Nauru là một tiền lệ nguy hiểm, và tôi tin rằng lãnh đạo các nước thành viên của diễn đàn sẽ không chấp nhận hành động này.
Quyết định của chính phủ [Nauru] đã ảnh hưởng đến tính toàn vẹn, uy tín và nền tảng của tổ chức chúng ta".
Trước những lời đe dọa của các nước láng giềng, chính quyền Nauru đã quyết định xuống nước và chấp nhận cấp dấu thị thực vào thư xin cấp thị thực ngoại giao của các đại biểu Trung Quốc.
Nauru là đồng minh của đảo Đài Loan. Trong ảnh: Tổng thống Nauru Baron Waqa và lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. Nguồn: Chính quyền Đài Loan
Ảnh hưởng của Trung Quốc tại Thái Bình Dương
SCMP nhận định, tuy việc làm trên khiến Trung Quốc bẽ mặt, nhưng phản ứng của các nước thành viên PIF lại cho thấy tầm ảnh hưởng sâu rộng của Trung Quốc tại Thái Bình Dương.
Quốc đảo Nauru không có mối quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, mà lại có quan hệ với Đài Loan. Chính quyền Đài Bắc đã tài trợ gần như toàn bộ chi phí tổ chức hội nghị thượng đỉnh PIF năm nay cho Nauru.
Trung Quốc và Đài Loan luôn cạnh tranh về ảnh hưởng ngoại giao tại khu vực Thái Bình Dương trong nhiều thập kỷ qua, thông qua các hình thức như viện trợ và các khoản vay ưu đãi cho các quốc đảo nhỏ tại khu vực này.
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan ngày càng xấu đi kể từ sau khi bà Thái Anh Văn lên làm lãnh đạo đảo này. Hiện Bắc Kinh đã thuyết phục thành công 5 quốc gia 'dứt tình' với Đài Loan, và nhiều chuyên gia dự đoán sắp tới bà Thái Anh Văn sẽ còn tiếp tục mất thêm đồng minh vào tay Trung Quốc.
Theo viện nghiên cứu Lowy Institute của Australia, trong giai đoạn từ năm 2006-2016, Trung Quốc đã cấp khoảng 1,78 tỉ USD dưới hình thức viện trợ và vay ưu đãi cho các quốc gia Thái Bình Dương.
Nhận thức được chính sách "quyền lực mềm" của Bắc Kinh đang phát huy tác dụng tại Thái Bình Dương, Australia và New Zealand gần đây cũng đã đẩy mạnh các chương trình viện trợ của họ, nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực vượt quá tầm kiểm soát.