Trong bài phát biểu mới nhất của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan trong buổi nói chuyện tại một học viện quân sự, ông Erdogan nói rằng nước này mong muốn sớm nhận được các hệ thống S-400.
Tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-400 Triumf của Nga
Tuy nhiên bên cạnh việc mong muốn nhận được S-400, ông Erdogan cũng cho biết rằng Ankara rất thiết tha đề nghị Mỹ hãy nhanh chóng bàn giao các tiêm kích tàng hình F-35A Lightning II cho họ vì Thổ Nhĩ Kỳ sẽ "tự điều chỉnh cân bằng các lợi ích của những cường quốc".
Nhưng có thể dễ dàng nhận ra rằng điều này khó mà thành hiện thực vì từ lâu Washington đã ra tuyên bố rắn, đó là nếu Ankara mua S-400 thì sẽ không có F-35 bất chấp việc Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những bên cung cấp tài chính cho dự án vũ khí đầy tham vọng này.
Ngoài lo ngại về khả năng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tách khỏi ảnh hưởng của Mỹ và dần ngả theo phía Nga trong các vấn đề quốc tế, Washington còn rất lo ngại rằng bí mật trên F-35 sẽ bị lọt vào tay Nga, vì vậy họ quyết giữ bằng mọi cách.
Trong hợp đồng mua sắm, giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga có một điều khoản bổ sung đó là Moskva có thể chuyển giao một số công nghệ lõi của S-400 cho Ankara để nước này có thể tự chủ công tác đảm bảo kỹ thuật cũng như tiến tới chế tạo một số thành phần.
"Cái giá" mà Ankara phải trả cho điều khoản trên chưa được công bố nhưng có lẽ không phải là tiền, bởi vì nếu vướng mắc về tài chính thì hai bên đã giải quyết được ngay chứ chẳng việc gì phải đưa vào hợp đồng một toan tính cho tương lai.
Vậy ẩn sau điều khoản trên là thỏa thuận nào giữa hai quốc gia, phải chẳng là "có đi có lại", nếu muốn được chuyển giao công nghệ của S-400 thì Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải tiết lộ cho Nga những bí mật trên tiêm kích tàng hình F-35?
Tiêm kích tàng hình F-35 Lightning II với cấu hình oanh tạc mục tiêu mặt đất
Theo đánh giá từ các chuyên gia quân sự thì điều này rất có thể là sự thực bởi vì từ trước tới nay Nga chưa bao giờ dễ dàng hỗ trợ công nghệ cho đối tác bất chấp việc họ trả giá rất cao, điển hình là Ấn Độ với dự án tiêm kích thế hệ 5 FGFA.
Nếu như để lọt bí mật của F-35 vào tay Nga, ưu thế trên không của Mỹ và đồng minh sẽ không còn nữa, thậm chí nguy cơ lớn hơn là nhiều đối tác sẽ hủy bỏ hợp đồng mua sắm vì đã bị đối phương "bắt bài" hết tính năng kỹ chiến thuật.
Khi viễn cảnh trên xảy ra, nhẹ nhàng thì Mỹ cũng phải bỏ ra một khoản tiền cực lớn để thay đổi lại gần như toàn bộ mọi hệ thống trên F-35, thậm chí "đen tối" hơn thì cả chương trình vũ khí trị giá hàng ngàn tỷ USD này sẽ bị đổ xuống sông xuống biển.
Bởi vậy dễ hiểu vì sao Mỹ bất chấp việc phải đền bù tiền góp vào chương trình F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ cũng như nguy cơ mất một đồng minh quan trọng do cân nhắc lợi hại thì hướng đi này vẫn còn nhẹ nhàng hơn nhiều so với viễn cảnh kể trên.
Therealrtz © VietBF