Khơi mào cuộc chiến thương mại, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang áp thuế với nhiều mặt hàng đối với cả đồng minh lẫn đối thủ. Nhật Bản cho rằng chính sách đánh thuế bừa bãi của Tổng thống Donald Trump cho thấy sự hiểu nhầm nghiêm trọng về tính cấp thiết của tự do thương mại.
Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Hiroshige Seko. Ảnh: AP.
Theo SCMP, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Hiroshige Seko vào hôm qua (24.8) đã lên tiếng cảnh báo rằng Tokyo sẽ cân nhắc đáp trả nếu Mỹ thực hiện việc đánh thuế 25% lên các sản phẩm ô tô của nước này. Tuy không tiết lộ thêm chi tiết về cách Nhật Bản sẽ đáp trả, Bộ trưởng Seko cho biết xứ sở hoa anh đào có thể sử dụng tới biện pháp áp thuế trả đũa.
“Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đóng góp rất lớn cho nền kinh tế Mỹ”, ông Seko cho hay. “Nếu ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản bị suy yếu, chúng tôi sẽ không thể đầu tư vào Mỹ nữa”.
Bên cạnh đó, ông Seko cũng bày tỏ quan ngại trước cuộc chiến thương mại đang ngày càng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, cho rằng những đòn áp thuế lẫn nhau không chỉ đe dọa tới sức khỏe nền kinh tế 2 nước mà sẽ có tác động tới thị trường toàn cầu.
“Những việc này không hề đóng góp gì cho nền kinh tế thế giới. Về sau cùng, cả Mỹ và Trung Quốc đều sẽ chịu thiệt hại”, ông Seko quả quyết.
Ngoài ra, vị Bộ trưởng cũng nói rằng ông cảm thông với “cảm giác” lo lắng của Tổng thống Trump về thâm hụt thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, ông Seko tuyên bố Thủ tướng Shinzo Abe và các quan chức chính phủ khác đã luôn kiên nhẫn thuyết phục ông Trump rằng các sản phẩm Nhật Bản không phải là mối đe dọa an ninh với Mỹ.
Trong bối cảnh thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Nhật Bản đang ở mức 68 tỷ USD (theo số liệu 2017), ông Seko khẳng định rằng ông Trump không nên đổ lỗi cho Nhật Bản bởi con số này thể hiện nỗ lực trong nhiều năm của Tokyo nhằm tạo ra hàng ngàn công ăn việc làm cho người Mỹ.
Theo SCMP, nhiều chuyên gia kinh tế đã chỉ ra rằng, khi mà nền kinh tế toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng trong những năm qua, kiểu tiếp cận “người thắng – kẻ thua” của ông Trump trong lĩnh vực thương mại đang gây hiểu lầm cho chính bản thân nhà lãnh đạo.
Một ví dụ điển hình nhất là sản phẩm điện thoại thông minh iPhone của công ty Apple: được sản xuất tại Trung Quốc nhưng lại là một sản phẩm của Mỹ, sử dụng các thành phần linh kiện từ nhiều quốc gia khác nhau, trong đó có Nhật Bản.
Do đó, theo ông Seko, thâm hụt thương mại có thể không tiêu cực như ông Trump nghĩ mà chỉ là một dấu hiệu phản ánh nền kinh tế Mỹ đang phát triển theo hướng tích cực
“Nhật Bản phải tiếp tục giải thích thông điệp của mình”, ông Seko nói. “Chúng ta đã rất cố gắng mở cửa thị trường để tránh những hiểu lầm như thế này, đặc biệt là trong quan hệ thương mại song phương với nước Mỹ”.
Therealrtz © VietBF