Triều Tiên vẫn sản xuất hạt nhân tại các cơ sở bí mật. Đó là thông tin mới được tình báo Mỹ tiết lộ. Nước này tiếp tục sản xuất nhiên liệu cho vũ khí hạt nhân ở các cơ sở bí mật.
Hình ảnh vệ tinh mà theo trang 38north, cho thấy những hoạt động đang diễn ra tại nhà máy làm giàu uranium - Ảnh: 38NORTH
Đài NBC (Mỹ) dẫn nguồn tin từ nhiều quan chức tình báo Mỹ phát đi thông tin trên. Theo đó, giới tình báo Mỹ cũng nhận định có thể nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã cố tìm cách che giấu những cơ sở bí mật đó trong quá trình tìm kiếm những nhượng bộ trong cuộc đàm phán giải trừ hạt nhân với Washington.
Đài NBC mô tả những nội dung này là đánh giá tình báo mới nhất, chưa từng được công bố trước đó, của tình báo Mỹ. Theo đó, nó cũng đi ngược lại với những quan điểm của ông Trump khi tuyên bố trên Twitter sau cuộc hội đàm ngày 12-6 tại Singapore rằng "không còn nguy cơ hạt nhân từ Triều Tiên nữa".
Theo thông tin của hơn 12 quan chức Mỹ (giấu tên) biết được báo cáo trên, các chuyên gia phân tích tại Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) và các cơ quan tình báo khác không đồng tình với tuyên bố của ông Trump.
Cộng đồng tình báo Mỹ vẫn cho rằng chính quyền Triều Tiên đang tìm mọi cách có được các nhượng bộ từ Mỹ trong khi vẫn gắn chặt với các loại vũ khí hạt nhân là yếu tố sống còn với họ.
Nhà Trắng chưa bình luận gì trước thông tin này.
Giới chuyên gia vẫn nghi ngờ
Trong diễn biến liên quan, vài ngày trước, trang 38north, một trang web chuyên phân tích tình hình Triều Tiên, đã công bố các hình ảnh vệ tinh và dẫn kết luận từ 3 chuyên gia cho rằng "những sự nâng cấp về hạ tầng tại Trung tâm nghiên cứu khoa học hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên đang được tiếp tục với tiến độ nhanh chóng".
Dù vậy, các nhà phân tích cũng thận trọng khi nói rằng diễn tiến tại cơ sở nghiên cứu hạt nhân Yongbyon "không nên được nhìn nhận trong mối quan hệ với cam kết giải trừ hạt nhân của Triều Tiên. Nhóm nghiên cứu hạt nhân của Bình Nhưỡng vẫn có thể tiếp tục với công việc của họ như bình thường cho tới khi ban lãnh đạo Bình Nhưỡng phát đi những mệnh lệnh cụ thể".
Đài NBC dẫn nhận định của ông Jeffrey Lewis, giám đốc Chương trình không phổ biến vũ khí Đông Á tại Viện nghiên cứu quốc tế Middleburry ở Monterey: "Triều Tiên đang tiếp tục mở rộng các cơ sở của họ để sản xuất vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo".
Ông James Acton, nhà khoa học hạt nhân, đồng giám đốc Chương trình chính sách hạt nhân tại Quỹ Carnegie Endowment vì hòa bình quốc tế, cũng đồng tình với quan điểm này, nói thêm: "Nếu họ nghiêm túc về chuyện đơn phương giải trừ vũ khí, đương nhiên họ sẽ phải dừng mọi công việc tại Yongbyon".
Trong khi đó người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng không phản hồi về việc này. Người phát ngôn của Giám đốc cơ quan Tình báo Quốc gia và CIA cũng từ chối bình luận.
Ở chiều khác, bà Allison Puccioni, một chuyên gia phân tích hình ảnh tại Trung tâm Hợp tác và An ninh Quốc tế của đại học Standord, một chuyên gia về cơ sở Yongbyon, cho rằng sẽ là phi thực tế khi tại thời điểm này người ta kỳ vọng Triều Tiên sẽ dừng hoạt động tại tổ hợp lò phản ứng hạt nhân.
Bà Puccioni nói: "Việc họ cho nổ tung một hoặc hai đường hầm tại một bãi thử hạt nhân không có nghĩa là họ sẽ dừng làm việc với một lò phản ứng mà họ đã nói với mọi người rằng đang sử dụng để khai thác điện".
Ông Joel Wit, chuyên viên nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Stimson và cũng là nhà sáng lập trang 38north, đồng tình với quan điểm đó.
"Những gì quý vị có chỉ là một cam kết giải trừ hạt nhân, chúng ta vẫn chưa có một thỏa thuận, chúng ta chỉ có một cam kết chung chung. Vậy nên tôi không hề thấy ngạc nhiên chút nào" khi mọi việc tại Yongbyon vẫn tiếp tục.
Ông Wit cũng nói ông nghĩ là Tổng thống Trump đã "nói quá" về chuyện Triều Tiên sẽ sớm giải trừ hạt nhân.
Tổ hợp hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên trước khi tháp làm mát của nó bị phá bỏ ngày 27-6-2008 - Ảnh: KYODO
Ông Trump đã nói quá?
Sau cuộc hội đàm thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore ngày 12-6, ông Kim và ông Trump đã cùng ra tuyên bố chung nhất trí "hợp tác với nhau để giải trừ hạt nhân hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên".
Tuy nhiên ngay tại thời điểm đó, tuyên bố chung với chưa đầy 400 chữ, đã gây băn khoăn nhiều cho giới quan sát vì gần như không công bố chi tiết về việc tiến trình giải trừ đó sẽ diễn ra như thế nào hoặc khi nào nó sẽ diễn ra.
Trong một chiến dịch vận động ngày 20-6 tại Duluth, bang Minnesota, ông Trump tiếp tục có những quan điểm bảo vệ quyết định gặp ông Kim Jong Un vừa qua, cho rằng ông đã giành được sự nhượng bộ lớn từ nhà lãnh đạo Triều Tiên.
"Sẽ có một quá trình giải trừ hạt nhân. Đó là chuyện thực", ông Trump nói.
Trang 38north cho rằng hình ảnh vệ tinh chưa cho biết rõ mức độ hoạt động hiện tại của lò phản ứng ở Yongbyon. Tuy nhiên họ cũng khẳng định quá trình làm giàu uranium có vẻ như vẫn đang tiếp tục.
Còn theo ông Wit, người từng tham gia đàm phán thỏa thuận năm 1994 với Triều Tiên, cơ sở nghiên cứu hạt nhân tại Yongbyon cho tới nay đã bớt quan trọng hơn với chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Hiện tại năng lực của cơ sở này chỉ sản xuất đủ số vật liệu hạt nhân để cứ 2 năm một lần có thể làm được từ 2 đến 3 quả bom.
Năm 2007 Triều Tiên đã đồng ý đóng cửa bãi thử tại Yongbyon, và năm 2008 họ cũng đã cho nổ tung hệ thống tháp làm mát. Tuy nhiên sau khi những cuộc đàm phán hạt nhân thất bại, năm 2009, Triều Tiên lại tái khởi động chương trình hạt nhân của họ tại đây.
Trong tháng 5, nhiều tuần trước cuộc hội đàm thượng đỉnh Mỹ - Triều, Bình Nhưỡng đã cho phá hủy 3 đường hầm thử hạt nhân, các tòa nhà quan sát, một lò đúc kim loại và một khu sinh hoạt tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng ngay cả việc hủy bỏ đó thì quá trình khôi phục lại cũng khá dễ dàng.