Ông Phạm Nhật Vượng tin rằng VinFast đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Chủ tịch HĐQT Vingroup khẳng định mục tiêu trước tiên của VinFast. Theo đó, VinFast sẽ chinh phục thị trường mặc dù có nhiều đối thủ lớn cạnh tranh.
Những câu hỏi về định hướng cạnh tranh của VinFast với các đối thủ quốc tế được nêu ra tại Đại hội cổ đông thường niên 2018 của Tập đoàn Vingroup (Mã CK: VIC) sáng 31/5. Trả lời cổ đông, ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Hội đồng quản trị cho biết, định hướng trước tiên của VinFast là thị trường trong nước, không phải nước ngoài. Thừa nhận mức độ cạnh tranh trong nước cũng rất lớn, nhưng ông cũng đánh giá khả năng để thành công rất cao.
Về chất lượng xe, ông Vượng cho biết, Vinfast có mức độ tự động hóa cao. Riêng xưởng hàn có hơn 1.200 robot, tự động 100%. Theo ông, mức độ tự động cao thì độ chính xác cũng cao. Xưởng động cơ, xưởng làm những chi tiết khó như trục khuỷu, hệ thống truyền động là tự động, nên chất lượng xe sẽ tốt, không ồn khi chạy. Trong khi đó, hiện nay, đa số thương hiệu lắp ráp ôtô, tại những xưởng hàn, vẫn sử dụng người lao động.
Nhà máy của VinFast tại Hải Phòng. Ảnh: Vingroup
Về giá thành, theo lãnh đạo Vingroup, do đầu tư từ đầu, cùng với những chính sách khuyến mại phù hợp, hậu mãi, chăm sóc khách hàng tốt nên sẽ rất cạnh tranh. Ông Vượng cho rằng những chính sách đó sẽ tạo thành cú hích mạnh cho thị trường và đạt mức tiêu thụ lớn.
Chủ tịch HĐQT Vingroup cũng nhấn mạnh về lâu dài, VinFast phải hướng đến mục tiêu xuất khẩu. Tuy nhiên, ông nhận định một số thị trường, người tiêu dùng cũng rất thực tế, như tại Mỹ, Tập đoàn Huyndai của Hàn Quốc tham gia thị trường không lâu nhưng hiện cũng chiếm 10% thị phần. Tại thị trường lớn khác là khu vực Đông Âu có quy mô dân số lớn, theo ông, Vingroup hiểu rất rõ cũng sẽ là thế mạnh đối với VinFast. Ông cũng bày tỏ sự tự tin sẽ cạnh tranh được với các thương hiệu ở khu vực này.
Chủ tịch HĐQT Vingroup cũng cho biết, VinFast là trụ cột chính của Vingroup trong kinh doanh thời gian tới. Tuy nhiên, theo ông, khi đã bước chân vào lĩnh vực công nghiệp nặng và xây dựng được uy tín, thương hiệu thì đó là cơ hội để tham gia, sản xuất rất nhiều sản phẩm khác.
"Với hệ sinh thái rộng lớn, năng lực tổ chức tốt, chắc chắn đó là chân trời mới của Vingroup", ông nói.
Tại đại hội, HĐQT trình lên phương án phát hành cổ phần ưu đãi theo phương thức chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư. Khối lượng phát hành sẽ do HĐQT quyết định với mục tiêu huy động tối đa 20.000 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong năm 2018. Toàn bộ lượng cổ phần phát hành sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.
Vingroup dự kiến sẽ chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 1.000:210 (mỗi cổ đông sở hữu 1.000 cổ phần được nhận cổ tức bằng 210 cổ phần). Sau đợt chi trả cổ tức này, vốn điều lệ Vingroup sẽ tăng lên 31.916 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện được lấy từ lợi nhuận sau thuế lũy kế đến năm 2017 và lợi nhuận sau thuế quý I/2018. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý II.
Năm 2017, doanh thu của Vingroup đạt 89.350 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 5.655 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 55% và 27% so với 2016.
Trong lĩnh vực bất động sản, tập đoàn bàn giao gần 14.000 căn hộ, biệt thự, nhà phố thương mại, biệt thự biển, đưa vào vận hành 12 dự án tại 5 tỉnh, thành. Lĩnh vực du lịch, vui chơi giải trí đưa vào khai thác thêm 8 khách sạn, tổng công suất tăng lên hơn 10.000 phòng.
Năm 2018, Vingroup đặt mục tiêu doanh thu thuần 120.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 8.500 tỷ đồng.