Là một nhà kinh tế đại tài, việc ông Trump làm tổng thống Mỹ sẽ có nhiều điều cần phải bản. Tuy chưa biết về lâu dài thế nào nhưng hiện tại thì chiến thuật đánh lẻ này của ông Trump xem ra trước mắt khá thành công.
Sau Hàn Quốc, Argentina là đối tác kinh tế và thương mại thứ hai của Mỹ đạt được thoả thuận riêng với Mỹ về thương mại sau khi phía Mỹ áp thuế quan bảo hộ đối với sản phẩm thép và nhôm từ bên ngoài nhập khẩu vào thị trường Mỹ. Khác với Hàn Quốc, Argentina chấp nhận hạn ngạch xuất khẩu thay cho trả mức thuế quan cao.
Theo thoả thuận mới đạt được giữa hai nước, Argentina khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ được miễn thuế quan hoàn toàn cho khối lượng sản phẩm thép bằng mức trung bình của 3 năm qua và cho khố lượng sản phẩm nhôm bằng 135% mức trung bình của 3 năm qua. Brazil, Australia và EU hiện cũng bị phía Mỹ đặt trước sự lựa chọn bị áp thuế quan bảo hộ hay chấp nhận hạn ngạch xuất khẩu vào thị trường Mỹ và thời hạn cụ thể đều là ngày 1.6 tới.
Thoả thuận nói trên giữa Mỹ và Argentina rất đáng được chú ý trên hai phương diện. Thứ nhất, nó đưa lại thêm bằng chứng mới cho thấy phía Mỹ rất kiên định quyết tâm thực thi những biện pháp chính sách bảo hộ mậu dịch đã ban hành bất kể đối tượng nhằm đến xưa nay quan trọng như thế nào đối với Mỹ về cả chính trị lẫn kinh tế và thương mại. Tổng thống Mỹ Donald Trump và công sự hiện tại quan tâm hàng đầu đến việc những biện pháp chính sách này được thực hiện chứ không lưu tâm nhiều đến những cái hại và phản tác dụng có thể xảy ra đối với nước Mỹ cả về kinh tế và thương mại lẫn chính trị. Ông Trump hành xử vậy vì hiện phải đáp ứng nhu cầu đối nội rất nhạy cảm nhưng lại rất quan trọng.
Các biện pháp chính sách bảo hộ mậu dịch này và luôn tỏ ra kiên định quyết tâm bảo vệ và thực hiện lợi ích của Mỹ giúp ông Trump củng cố và phát huy được tác động chính trị đối nội mạnh mẽ của hình ảnh về tổng thống thực hiện cam kết tranh cử và trung thành, nhất quán với khẩu hiệu "Nước Mỹ trước hết".
Lợi bất cập hại hay phản tác dụng đến đâu của các biện pháp chính sách bảo hộ thương mại kia trong tương lai là chuyện khác và xa đối với ông Trump trong khi cái mà ông Trump cần cấp thiết là sự hậu thuẫn hiện tại của cử tri ở Mỹ cho mình và cho Đảng Cộng hoà trong cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ vào đầu tháng 11 tới. Mục tiêu phấn đấu của ông Trump và Đảng Cộng hoà là bảo vệ được đa số hiện có trong cả lưỡng viện lập pháp. Nếu để bị mất ưu thế quyền lực này vào tay Đảng Dân chủ thì nửa nhiệm kỳ cầm quyền tới sẽ rất khó khăn đối với ông Trump và cơ may tái đắc cử tổng thống trong lần bầu cử tổng thống tới ở Mỹ sẽ không còn chắc chắn nữa.
Thứ hai, nó cho thấy chủ ý của phía Mỹ là đánh gục từng đối tác một, tức là ban hành những biện pháp chính sách chung cho tất cả các đối tác nhưng lại theo đuổi mục tiêu đạt thoả thuận riêng với từng đối tác. Cách thức này giúp ông Trump và cộng sự vừa nhanh chóng đạt được kết quả cụ thể vừa ngăn cản các đối tác kinh tế và thương mại của Mỹ tập hợp nhau lại cùng đối phó Mỹ. Điển hình nhất cho điều này có thể thấy ở cách đối xử của ông Trump đối với EU và Trung Quốc.
Trong khi phía Mỹ không sẵn sàng nhượng bộ EU chút nào, thậm chí không cả đàm phán với EU mà chỉ để cho EU lựa chọn giữa những phương án do Mỹ đưa ra - mà đều tồi tệ đối với EU cả về kinh tế thương mại lẫn chính trị - thì ông Trump lại tỏ ra rất thiện chí và hoà dịu với Trung Quốc. Ông Trump đã cử tất cả những cộng sự thân tín nhất và cố vấn quan trọng nhất về kinh tế và thương mại sang thương thảo với Trung Quốc. Ông Trump tỏ ra sẵn sàng chấp nhận chiến tranh thương mại với EU nhưng lại nỗ lực cùng Trung Quốc tránh để bùng phát chiến tranh thương mại song phương.
Chưa biết về lâu dài thế nào chứ hiện tại thì chiến thuật đánh lẻ này của ông Trump xem ra trước mắt khá thành công.
VietBF © sưu tập