Tổ chức WHO đã chính thức cho biết hiện 90% dân số trên Tg đang phải hít thở không khí độc hại. Đây là 1 sự thực mà hầu hết mọi người trong chúng ta đều phải bất ngờ. Cùng với đó là có hàng triệu người chết vì ô nhiễm môi trường. Theo một nghiên cứu mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới công bố, cứ 10 người trên thế giới thì có 9 người hít thở bầu không khí độc hại. Mỗi năm, có khoảng 7 triệu người chết vì các vấn đề ô nhiễm không khí. Theo WHO, nghiên cứu mới được đưa ra dựa trên việc phân tích các dữ liệu mới nhất và hoàn chỉnh nhất về tình trạng ô nhiễm không khí. Tổ chức này đã thu thập dữ liệu từ 4.300 thành phố và 108 quốc gia trên thế giới.
"Ô nhiễm không khí ở nhiều phần của thế giới đang ở mức độ cực kỳ nguy hiểm" - Tiến sỹ Maria Neira, Giám đốc Ủy ban Y tế Công cộng, Môi trường và Ảnh hưởng của Yếu tố Xã hội tới Sức khỏe thuộc WHO, cho hay.
"Ô nhiễm không khí ngày nay không chỉ là nguy cơ lớn nhất về môi trường tới sức khỏe, mà còn là một thách thức to lớn với y tế công cộng và là một trong những thách thức lớn nhất theo dự đoán của chúng tôi" - bà Neira nói thêm.
Các loại hạt gây ô nhiễm, là hỗn hợp của các loại hạt rắn nhỏ li ti trong không khí, có thể thâm nhập sâu vào trong phổi con người khi họ hít thở. Điều này dẫn tới nhiều căn bệnh như hen suyễn, ung thư phổi, bệnh tim mạch, đột quỵ cùng nhiều chứng rối loạn mãn tính khác. Các hạt trên - bao gồm sulfate, nitrate và carbon đen - phần lớn được thải ra từ xe hơi và xe tải, trong quá trình sản xuất tại các nhà máy, nhà máy điện và cả hoạt động nông nghiệp.
Theo thống kê của WHO, trong năm 2016, có khoảng 4,2 triệu người trên thế giới chết vì ô nhiễm không khí.
"Nhiều siêu đô thị trên thế giới có nồng độ PM2.5 vượt quá tiêu chuẩn của WHO tới 5 lần, đồng nghĩa với việc người dân ở đây chịu rủi ro sức khỏe rất lớn", bà Neira nói. "Đây là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng mà chúng ta đang đối mặt" - bà Neira cho hay.
Người dân ở khu vực châu Á và châu Phi chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Hơn 90% số trường hợp tử vong liên quan tới ô nhiễm không khí xảy ra tại khu vực này. Trong khi nhiều thành phố ở châu Mỹ, châu Âu và phía Đông biển Địa Trung Hải cũng có mức độ ô nhiễm không khí vượt qua quy định an toàn của WHO.
Do dữ liệu sử dụng trong nghiên cứu lấy từ rất nhiều nguồn khác nhau, nên khó có thể xếp hạng các thành phố về mức độ ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, nghiên cứu mới của WHO cho thấy nhiều thành phố của Mỹ bị ô nhiễm nặng nề, như Los Angeles, Bakersfield, California, Kentucky, St. Louis, Louisville...
Tuy nhiên, mức ô nhiễm ở các thành phố trên vẫn không thể so sánh với ở Peshawar hay Rawalpindi của Pakistan, những nơi có mật độ hạt gây ô nhiễm trong không khí lớn nhất. Thành phố Varanasi và Kanpur ở Ấn Độ, thủ đô Cairo của Ai Cập, thành phố Al Jubail của Arab Saudi cũng có mức ô nhiễm không khí thuộc hàng cao nhất thế giới.
Một số thành phố có bầu không khí trong lành hơn trong nghiên cứu của WHO bao gồm Wenden (bang Arizona, Mỹ), Cheyenne (bang Wyoming, Mỹ)... thành phố lớn nhất ở Mỹ có bầu không khí trong lành là Honolulu, theo dữ liệu của WHO.
Nguồn gốc lớn nhất gây ra tình trạng ô nhiễm không khí nằm ở các khu vực đang phát triển, và xuất phát từ các hộ gia đình. Hơn 40% dân số thế giới hiện nay không được tiếp cận với công nghệ nấu nướng và chiếu sáng hiện đại; theo WHO. Nhiều gia đình vẫn sử dụng củi, than để nấu nướng và sưởi ấm, gây ra tình trạng ô nhiễm trong nhà.
Thêm vào đó, tiến bộ trong công nghệ cũng không thể đuổi kịp đà tăng trưởng dân số, WHO cho biết, khiến cho số trường hợp tử vong vì ô nhiễm trong nhà chỉ tính riêng trong năm 2016 đã lên tới 3,8 triệu.
Giới chuyên gia WHO khuyến cáo người dân trên toàn thế giới hạn chế di chuyển bằng xe cộ, tập thói quen đi bộ hoặc sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Để tự bảo vệ sức khỏe bản thân, WHO khuyến cáo người dân nên ở trong nhà nếu thấy mức độ ô nhiễm không khí bên ngoài tăng cao. Lắp đặt các trang thiết bị lọc không khí trong nhà cũng là biện pháp hữu hiệu.
Theo bà Neira, một tín hiệu khả quan được đề cập trong nghiên cứu mới là nhiều thành phố đang quan tâm và giám sát chất lượng không khí. Dữ liệu kịp thời và đầy đủ sẽ giúp ích cho chính quyền kịp thời làm sạch không khí.
|