Vietbf.com - Trung Quốc vừa khoe một mẫu oanh tạc cơ tàng hình H-20 với kỳ vọng đột phá giúp nước này tiến gần tới vị thế cường quốc quân sự trong tương lai, vì vậy có thể thúc đẩy Trung Quốc theo đuổi tham vọng phát triển máy bay ném bom tàng hình tương tự mẫu B-2 Spirit của Mỹ.
Thiết kế H-20 được công bố trên tạp chí Aerospace Knowledge của Trung Quốc. Ảnh: Sina.
Không quân Trung Quốc đang được ưu tiên đầu tư, hiện đại hóa với sự ra đời của nhiều chiến đấu cơ thế hệ 4 và tiêm kích tàng hình. Tuy nhiên, lực lượng này vẫn còn một khoảng trống khó lấp đầy trong thời gian ngắn, đó là chưa được biên chế oanh tạc cơ chiến lược tàng hình tối tân để thực hiện các đòn tấn công tầm xa, theo Popular Science.
Mẫu oanh tạc cơ hiện đại nhất trong biên chế không quân Trung Quốc hiện nay là H-6K, biến thể hiện đại hóa dựa trên máy bay ném bom chiến lược Tu-16 được Liên Xô thiết kế từ thập niên 1950. Thực tế này thúc đẩy Trung Quốc theo đuổi tham vọng phát triển máy bay ném bom tàng hình tương tự mẫu B-2 Spirit của Mỹ.
Tháng 9/2016, Tư lệnh không quân Trung Quốc Mã Hiểu Thiên tuyên bố nước này đang nghiên cứu mẫu oanh tạc cơ chiến lược mới. Báo cáo thường niên về quân đội Trung Quốc do Lầu Năm Góc công bố năm 2017 cũng xác nhận Bắc Kinh đã bắt đầu phát triển máy bay ném bom tầm xa với khả năng mang vũ khí hạt nhân.
Oanh tạc cơ tương lai của Trung Quốc mang định danh H-20, ứng dụng thiết kế cánh bay (flying wing) tương tự mẫu B-2 Spirit của Mỹ, tối ưu cho tầm bay xa và khả năng tàng hình trước radar. H-20 được cho là đạt tầm bay 10.000 km và sử dụng 4 động cơ phản lực WS-10 không có chế độ đốt tăng lực.
Biến thể H-20 hoàn chỉnh dường như mang được 20 tấn vũ khí gồm bom và tên lửa hành trình với tầm bắn tới 2.000 km, cũng như một số vũ khí trong tương lai như tên lửa tàng hình GB-6A.
Chuyên gia Lầu Năm Góc nhận định H-20 sẽ được ứng dụng nhiều công nghệ từ dự án tiêm kích thế hệ 5 J-20, bao gồm cả khả năng tàng hình. Loại máy bay này dự kiến được biên chế vào giữa thập niên 2020, nhằm thay thế các phi đội H-6 già cỗi hiện nay.
Giới phân tích nhận định H-20 có thể đóng vai trò sở chỉ huy trên không, thể hiện qua các nghiên cứu gần đây của Trung Quốc. Không quân nước này đang đánh giá khả năng hiệp đồng của phi cơ có người lái và máy bay không người lái, cũng như kết nối dữ liệu từ nhiều hệ thống cảm biến với tên lửa tầm xa. Không quân Mỹ cũng có ý tưởng tương tự cho mẫu oanh tạc cơ tàng hình B-21 Raider.