Từng nổi danh với nhiều vai diễn để đời thế nhưng NSƯT Võ Hoài Nam vẫn phải gác lại niềm đam mê của bản thân để làm việc khác nuôi sống gia đình. Tuy nhiên với anh thì chưa bao giờ biết đòi hỏi đạo diễn chuyện tiền nong khi tham gia đóng phim. Cho tới giờ anh đã tạm hài lòng với gia đình bé nhỏ của mình. - Nghỉ đóng phim một thời gian, vì sao vừa qua anh trở lại màn ảnh rộng với vai huấn luyện viên bóng đá trong "11 niềm hy vọng"?
- Ngày xưa, tôi đóng nhiều dạng vai: bộ đội, công an, lưu manh, cướp giật đều đủ cả. Trong phim mới, lần đầu tôi đóng vai một huấn luyện viên trưởng của đội tuyển quốc gia, truyền lửa cho các cầu thủ trẻ. Vừa nghe kể kịch bản, tôi đã thấy là lạ. Tôi không thích đá bóng. Nhưng khi được đạo diễn mời, tôi bèn nhận lời với mục đích thử sức. Đây là cái duyên, vì lúc đó tôi đang rảnh rỗi. Từ Hà Nội, tôi quyết định vào Nam đóng phim.
Tôi thuộc dạng không phải ai mời cũng nhận lời diễn xuất mà luôn phải xem kịch bản trước. Tôi không muốn vì mê đóng phim quá mà cứ tham gia một dự án, để rồi khán giả bĩu môi: "Tưởng gì, phim ấy mà ông cũng đóng". Thế là tự giết mình, thà tôi không đóng còn hơn.
- Anh gặp trở ngại ra sao khi quay lại phim trường?
- Tôi nghĩ phim ảnh cũng như bơi lội vậy. Bạn đã bơi tốt thì dù 10 năm sau bị ném xuống nước, bạn cũng tự bơi được. Càng tăng tuổi càng thêm vốn sống. Một diễn viên giỏi sẽ không bị lụt nghề, mà chỉ dày dạn hơn thôi.
Thời gian nghỉ diễn, tôi vẫn xem phim suốt, có lúc nhập tâm quá còn diễn theo nhân vật. Tôi rất thích xem phim Hollywood. Khi xem, tôi không chỉ chú trọng diễn xuất, mà còn để ý âm thanh, bối cảnh. Tôi thích ghi nhớ những điều ấn tượng trong cuộc sống. Đi dạo ngoài đường, tôi cũng quan sát. Trên đường từ Bắc vào Nam đóng phim, tôi cũng chú ý học hỏi.
- Trong hàng chục bộ phim từng tham gia, anh thích vai diễn nào nhất?
- Tôi tự tin dù 10, 20 năm nữa, khán giả vẫn nhớ đến các nhân vật của tôi như Chiến của Cảnh sát hình sự, hay các vai trong Hà Nội mùa đông 1946, Chuyện phố phường... Khi xem lại những phim mình đóng, tôi tiếc lắm. Có những điều lẽ ra lúc ấy tôi có thể làm tốt hơn. Nhưng thời gian không trở lại, tôi chọn cách khắc phục bản thân ở những phim sau. Khi đã đóng, tôi không phân biệt phim truyền hình hay điện ảnh, một tập hay nhiều tập. Tính tôi đã thích thì mới làm, chứ không nhận lời rồi làm bừa.
- Hơn 20 năm vào nghề, chuyện thù lao đóng phim hiện tại quan trọng với anh ra sao?
- Thù lao đóng phim chưa bao giờ nuôi nổi tôi và gia đình nhưng tôi không bao giờ trả giá cát-xê. Thời của chúng tôi không có chuyện mặc cả, xin xỏ. Đạo diễn đưa ra con số, thấy "bùi tai" thì chúng tôi lên đường. Không phải là tiền không quan trọng, nhưng tôi quan niệm mình làm nghệ thuật thì đừng nên đặt điều gì khác ngoài tình yêu dành cho nghề nghiệp.
- Khoảng thời gian gián đoạn với nghề diễn, anh làm gì?
- Kể từ phim Vua bãi rác năm 2002, tôi ngừng diễn, chỉ xuất hiện lai rai trên truyền hình. Điều này do hoàn cảnh gia đình. Tôi có bốn cháu, ba gái, một trai, đang tuổi ăn học. Nhiều năm qua, tôi và bà xã mở một quán ăn nho nhỏ ở Hà Nội, kiếm sống qua ngày. Nói thật, làm nghệ thuật mãi lấy đâu ra tiền mà sống. Để đảm bảo kinh tế gia đình, tôi chuyển sang buôn bán, cũng là để có thời gian chăm bẵm các con nên người.
Thời gian đầu, tôi nhớ nghề quay quắt. Nhiều đạo diễn liên tục gửi kịch bản cho tôi, nhưng tôi phải làm việc vì gia đình. Một phim truyền hình giờ trung bình 50-60 tập, đi quay mất cả năm trời, ai sẽ lo cho vợ con tôi? Tôi quan niệm trong cuộc sống gia đình, phải có một người đầu tàu dẫn dắt.
- Vợ anh - diễn viên múa Lan Anh - chia sẻ khó khăn cuộc sống với anh ra sao?
- Lúc tôi nghỉ đóng phim, cô ấy cũng từ bỏ nghề múa, dù từng hoạt động trong Đoàn Nghệ thuật Công an Nhân dân. Vợ thay tôi quán xuyến việc nhà, nuôi dạy con cái và quản lý quán ăn. Lúc đến với nhau, hai vợ chồng tôi nghèo lắm. Cô ấy từng bước cùng tôi gây dựng một mái ấm để cuộc sống được ổn định như hiện tại. Gần đây, vợ luôn động viên tôi trở lại với phim ảnh, đặc biệt là những phim quay ở Hà Nội.
- Anh thường thể hiện tình cảm dành cho vợ con ra sao?
- Tôi là một ông bố không biết chiều vợ con. Tôi yêu và quan tâm đến vợ con theo một cách rất gia trưởng. Tôi thấy những điều tôi bắt vợ con làm theo đều có lý do cả. Nếu vì yêu thương vợ con, tôi cứ chậc lưỡi cho qua, có ngày mọi chuyện sẽ hỏng hết nên thà tôi cấm tiệt ngay từ đầu. Ví dụ, vợ chồng tôi có chút vốn liếng, người ta đến vay với lãi suất cao. Nếu tôi cứ ậm ừ đồng ý với vợ, nhỡ người ta vỡ nợ và "xù". Hoặc, vợ muốn mua một chiếc xe đắt tiền, tôi cũng không cho mua vì nhỡ đâu xe mới lại là mục tiêu của bọn nghiện hút, trộm cắp.
|
|