Vietbf.com - Mỹ và Nga là hai nước duy nhất luôn đứng đầu thế giới cường quốc vũ khí với các loại khác như chiến đấu cơ tàn hình, vì vậy sau khi hai nước này ra một loại chiến đấu cơ gì, thì thường đem ra đặt lên bàn cân coi bên nào đón kết đắng, chẳng hạn như máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer của Mỹ và Tu-160 Blackjack của Nga có vẻ ngoài tương tự nhau và thậm chí có một số điểm trùng lặp trong vai trò, nhiệm vụ của chúng.
Tuy nhiên, trong bài viết "Đại chiến oanh tạc cơ: Tu-160 Nga vs B-1 Lancer Mỹ (Ai thắng?)" trên tạp chí National Interest, nhà phân tích Dave Majumdar cho rằng hai mẫu máy bay này tương đối khác nhau.
B-1B và Tu-160 có vẻ ngoài tương tự nhau.
Mẫu B-1A vốn được thiết kế là máy bay xâm nhập siêu thanh tầm cao trước khi chính quyền cựu Tổng thống Carter quyết định hủy bỏ chương trình vào năm 1977 do thấy rằng mẫu máy bay ném bom mới sẽ không có khả năng sống sót trước các hệ thống phòng không mới của Liên Xô.
Thay vào đó, chính quyền Carter tập trung vào tên lửa đạn đạo và thông qua chương trình phát triển một mẫu máy bay ném bom tàng hình mà sau này được biết đến là Northrop Grumman B-2A Spirit.
Tuy nhiên, chương trình phát triển máy bay ném bom tàng hình chưa từng được chính quyền Carter công khai và nó vẫn tiếp tục được giữ bí mật trong nhiều năm sau đó.
Sau khi lên nắm quyền, cố Tổng thống Ronald Reagan đã khôi phục lại chương trình máy bay ném bom siêu thanh với định danh B-1B. Thay vì xâm nhập vào phòng tuyến đối phương từ độ cao lớn, B-1B được tối ưu hóa để xâm nhập ở độ cao thấp, kết hợp tốc độ, khả năng ngụy trang bằng địa hình và tiết diện phản xạ radar đã được giảm bớt.
Thế nhưng, sự đánh đổi này khiến cho B-1B phải hy sinh khả năng hoạt động ở độ cao lớn và di chuyển với tốc độ cao. Trong khi B-1A có thể đạt tốc độ tối đa trên Mach 2, thì B-1B chỉ có thể đạt tới Mach 1.25.
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, B-1B được phi hạt nhân hóa và tập trung vào vai trò hoạt động thông thường, toàn bộ khí tài hạt nhân của nó được dỡ bỏ vào năm 1995. Trong quá trình nâng cấp để đảm đương sứ mệnh mới, B-1B đã được lắp đặt radar khẩu độ tổng hợp với khả năng tăng cường, và các thiết bị hỗ trợ triển khai vũ khí dẫn đường chính xác.
Sau sự kiện ngày 11/9/2001, B-1B được nâng cấp với nhiều cảm biến mới, như pod tìm kiếm-chỉ thị mục tiêu Sniper XR, cho phép nó thực hiện nhiệm vụ tốt hơn trong các chiến dịch của Mỹ tại Iraq và Afghanistan.
B-1B không còn khả năng chiến đấu bên trong vùng phòng không dày đặc, nhưng vẫn có vai trò nhất định trong các cuộc chiến mà ở đó, đối phương có khả năng bắn trả, bắn hạ máy bay Mỹ, hoặc cản trở chúng bằng các hệ thống phòng không. Đó là nhờ nó được trang bị các tên lửa hành trình ngoài tầm phòng không điểm, như JASSM-ER hay LRASM.
Song, thật trớ trêu, điều đó có nghĩa trong hình thái tác chiến này, B-1B sẽ có vai trò tương tự như máy bay ném bom Tu-160 của Nga.
Tu-160 có kích cỡ lớn hơn và tốc độ cao hơn B-1B.
Có vẻ ngoài na ná B-1B nhưng Tu-160 Blackjack lại là một mẫu máy bay hoàn toàn khác. Liên Xô thiết kế mẫu máy bay này nhằm mục đích chính là tiến hành tấn công hạt nhân trong Thế chiến 3 (nếu nổ ra).
Mặc dù vẫn duy trì khả năng xâm nhập ở độ cao thấp nhưng Tu-160 đã được thiết kế nghiêng về khả năng triển khai tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân.
Vì thế, nó có kích cỡ lớn hơn và tốc độ cao hơn B-1B – với khối lượng cất cạnh tối đa 275.000 kg và tốc độ tối đa trên Mach 2.05. Trong khi đó, khối lượng cất cánh tối đa của B-1B là 216.400kg.
Vũ khí chủ lực của Tu-160 luôn là các tên lửa hành trình tầm xa như Kh-55MS.
Tuy nhiên, trong vài tháng gần đây, Nga đã sử dụng phiên bản thông thường của tên lửa Kh-555, cùng với tên lửa hành trình tàng hình tiên tiến Kh-101 để tấn công vào các mục tiêu IS tại Syria.
Ngoài ra, Tu-160 cũng mang theo các tên lửa Kh-102 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Nga đang tái khởi động dây chuyền sản xuất phiên bản cải tiến Tu-160M2. Chúng sẽ thay thế các mẫu máy bay ném bom Tu-22M Backfire và Tu-95 Bear hiện thời của Nga, đồng thời bổ trợ cho lực lượng Tu-160 hiện có.
Tu-160M2 sẽ là phương án thay thế tạm thời cho tới khi Nga hoàn tất chương trình phát triển máy bay ném bom tàng hình mới PAK-DA.
Vì thế, đối với câu hỏi Tu-160 hay B-1 Lancer sẽ chiến thắng nếu giao chiến, theo nhà phân tích Majumdar, vấn đề không phải là B-1B hay Tu-160 vượt trội hơn, mà cần phải hiểu rõ rằng các máy bay khác nhau sẽ có vai trò và nhiệm vụ khác nhau.