Đó là những chiếc xe thồ mộ, những hình ảnh quen thuộc của Sài Gòn xưa nay chỉ là ký ức. Ký ức của nhiều thế hệ Sài Gòn xưa: Âm thanh "lọc cọc" của những chiếc xe thổ mộ với với một ngựa kéo... chỉ còn là dĩ vãng.
Xe ngựa trở thành phương tiện giao thông phổ biến ở Sài Gòn từ thế kỷ 19, khi người Pháp nhập những chiếc xe ngựa bốn bánh có mái che, thường gọi là Malabar để phục vụ nhu cầu đi lại. Ảnh tư liệu.
Những chiếc xe ngựa bốn bánh ở trước Chợ Bến Thành năm 1921. Loại xe này mang kiểu dáng như xe song mã ở châu Âu, thường được dùng để phục vụ viên chức thuộc địa và gia đình, hoặc những người giàu có. Ảnh tư liệu.
Xe ngựa bên ngoài nhà thờ Đức Bà đầu thế kỷ 20. Ảnh tư liệu.
Từ kiểu xe ngựa sang trọng của Pháp, người Việt đã tạo ra loại xe ngựa đơn giản hơn với hai bánh, được gọi là xe thổ mộ. Trong ảnh là bến xe thổ mộ bên chợ Bến Thành, khoảng năm 1938-1939. Ảnh tư liệu.
Xe thổ mộ trên phố Rue Viénot (nay là đường Phan Bội Châu), Sài Gòn năm 1950. Đây là loại phương tiện đi lại bình dân mà hầu hết cư dân của Sài Gòn có thể sử dụng. Ảnh: Life.
"Trạm xăng" dành cho những chú ngựa ở Sài Gòn năm 1950. Thập niên 1940-1950 là giai đoạn phát triển bùng nổ của xe thổ mộ. Khi đó, khu vực chợ Bến Thành luôn có hàng chục chiếc xe ngựa kiểu này. Ảnh: Carl Mydans.
Bến xe thổ mộ cạnh chợ Bến Thành, Sài Gòn năm 1953. Ảnh tư liệu.
Xe thổ mộ bên ngoài hội quán Ôn Lăng, Sài Gòn năm 1954. Có người cho rằng, gọi như vậy là vì chiếc xe nhìn từ xa trông khum khum như... ngôi mộ. Ảnh tư liệu.
Do móng ngựa bọc bằng sắt, những chiếc xe này tạo ra âm thanh "lọc cọc" đặc trưng khi chạy. Ảnh tư liệu.
Trên đường Bến Chương Dương, phía xa là cầu Mống, Sài Gòn năm 1959. Ảnh: Getty.