50% tiêm kích F-35 Mỹ 'không đáng tin cậy' vì lỗi kỹ thuật. Lầu Năm Góc đã xác nhận thông tin này, Tiêm kích tàng hình F-35 có hàng trăm lỗi khác nhau ở dưới mức chấp nhận.
Tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ
"Khả năng hoạt động của lực lượng tiêm kích F-35 vẫn ở mức thấp hơn dự kiến, buộc quân đội Mỹ phải áp dụng các giải pháp khắc phục tình thế vốn không thể chấp nhận được trong tình huống chiến đấu", ông Robert Behler, tân giám đốc bộ phận thử nghiệm và đánh giá hoạt động (DOTE) của Lầu Năm Góc, nhấn mạnh trong báo cáo hôm qua, theo RT.
Ông Behler cho biết độ tin cậy của phi đội F-35 hiện chỉ ở mức 50% và "không hề được cải thiện kể từ tháng 10/2014, bất chấp việc số lượng máy bay mới đang tăng lên". Phần lớn các tiêm kích phải đắp chiếu đều do thiếu linh kiện thay thế.
Báo cáo dài 60 trang về siêu tiêm kích F-35 do ông Behler công bố nằm trong đánh giá toàn thể về hoạt động thử nghiệm vũ khí của Bộ Quốc phòng Mỹ trong năm 2017. Tiêm kích F-35 vẫn gặp hàng loạt vấn đề kỹ thuật, gồm 301 lỗi được xếp hạng ưu tiên cấp độ một và hai nhưng mới chỉ có 88 lỗi đang được xem xét.
Đại diện nhà sản xuất Lockheed Martin sau đó lên tiếng bảo vệ chương trình F-35, cho rằng dự án vẫn tiến triển tốt và tập đoàn này đang hợp tác với Lầu Năm Góc để cải thiện khả năng sửa chữa và đặt mua linh kiện mới. "Khả năng sẵn sàng hoạt động của các tiêm kích mới thường trên mức 60%, trong khi một số đơn vị chiến đấu đạt tới mức 70%", người phát ngôn Lockheed Martin Carolyn Nelson cho biết.
Lockheed Martin dự kiến hoàn tất quá trình phát triển kéo dài 16 năm của dòng F-35 trong năm nay. Tiêm kích thế hệ 5 này được ứng dụng thiết kế module dựa trên bộ khung cơ sở, tạo ra những phiên bản khác nhau cho các quân binh chủng Mỹ. Điều này được cho là sẽ cắt giảm chi phí chế tạo và bảo dưỡng, nhưng thực tế cho thấy dự án F-35 không đạt được kỳ vọng khi liên tục bị trì hoãn và đội giá, trở thành chương trình vũ khí đắt đỏ nhất lịch sử Mỹ với tổng ngân sách 1.200 tỷ USD.