Trong tuần này Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tổ chức phiên họp kéo dài hai ngày. Một vấn đề quan trọng được đưa ra. Đó là tư tưởng của Chủ tịch Tập Cận Bình có thể sẽ được xem xét đưa vào bản hiến pháp sửa đổi.
Chủ tịch Tập Cận Bình (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Theo NHK, Ban chấp hành trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc hôm nay 18/1 đã khai mạc phiên họp quan trọng kéo dài 2 ngày ở thủ đô Bắc Kinh với sự tham gia của Chủ tịch Tập Cận Bình và hơn 300 quan chức để xem xét việc sửa đổi hiến pháp lần đầu tiên kể từ năm 2004. Được tổ chức trong bối cảnh an ninh siết chặt, phiên họp kín đặt trọng tâm vào kế hoạch đưa tư tưởng Tập Cận Bình vào bản hiến pháp sửa đổi.
Tháng 10/2017, đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhất trí nêu tên Chủ tịch Tập Cận Bình và “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội mang đặc điểm Trung Quốc trong thời đại mới” vào Điều lệ đảng. Việc đưa tư tưởng và tên của Chủ tịch Tập Cận Bình trong Điều lệ đảng đã đưa ông sánh ngang với cố lãnh đạo Mao Trạch Đông - người đặt nền móng cho đất nước Trung Quốc và Đặng Tiểu Bình - người khởi xướng chính sách cải cách và mở cửa cho Trung Quốc.
Trước Chủ tịch Tập Cận Bình, chỉ có ông Mao Trạch Đông là lãnh đạo còn đương chức khi được đưa tên và tư tưởng vào Điều lệ đảng, trong khi “Lý luận Đặng Tiểu Bình” chỉ được nêu trong Điều lệ đảng sau khi ông qua đời. Nếu tên và tư tưởng Tập Cận Bình được nêu trong hiến pháp Trung Quốc, thẩm quyền của nhà lãnh đạo Trung Quốc được cho là sẽ nâng cao hơn.
Được tổ chức sau đại hội đảng Cộng sản, phiên họp toàn thể của Ban chấp hành trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc thường diễn ra vào cuối tháng 2 để thảo luận về các kế hoạch cải cách tổ chức cũng như các vấn đề về nhân sự. Tuy nhiên, cuộc họp năm nay diễn ra sớm hơn và tập trung vào chủ đề sửa đổi hiến pháp.
Therealtz © VietBF