Triều Tiên hiện là mối lo ngại nhất thế giới. Nước này đang bị cô lập bởi hàng loạt lệnh trừng phạt từ phương Tây và Liên Hợp Quốc. Liệu tình bạn bền chặt giữa Triều Tiên và các quốc gia châu Phi sẽ bị sụp đổ?
Tàu chở hàng Triều Tiên. (Ảnh minh họa: AFP)
AFP nhận định, dưới áp lực của Mỹ và Liên Hợp Qutoonv một số quốc gia châu Phi buộc phải giữ khoảng cách với Bình Nhưỡng, tuy nhiên để có thể “cắt đứt” được mối quan hệ thân thiết từ thời Chiến tranh Lạnh giữa Triều Tiên và các quốc gia này không phải là chuyện ngày một, ngày hai.
Mối quan hệ thân tình
Theo giới quan sát và chuyên gia, sự hiện diện của Bình Nhưỡng ở các quốc gia châu Phi là không thể chối bỏ và Bình Nhưỡng hiện vẫn đang hưởng lợi từ những mối quan hệ tưởng chừng “rời rạc” nhưng lại cực kỳ quan trọng.
Các chuyên gia ước tính quan hệ thương mại Triều Tiên và các nước châu Phi trị giá khoảng 200 triệu USD mỗi năm. Khoáng sản và đánh bắt thủy hải sản là 2 ngành mang lại kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cho Bình Nhưỡng, theo sau được cho là mặt hàng gây tranh cãi lâu nay, vũ khí.
Bất chấp LHQ bắt đầu ban hành lệnh trừng phạt với Triều Tiên từ năm 2006 nhằm đáp trả tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng, quan hệ hợp tác quân sự giữa Triều Tiên và các đồng minh trên lục địa đen vẫn rất bền chặt.
Theo nhà phân tích Graham Neville ở London, trên thế giới vẫn còn nhiều nước tiếp tục duy trì quan hệ thân thiết với Triều Tiên và một nửa trong số đó (khoảng 30 quốc gia) đến từ châu Phi. Buôn bán vũ khí, hạng mục bị cấm nghiêm ngặt trong lệnh trừng phạt của LHQ, là một trong những hạng mục gây tranh cãi.
Các chuyên gia Liên Hợp Quốc từng cáo buộc 11 quốc gia châu Phi hợp tác quân sự với Bình Nhưỡng trong báo cáo công bố hồi tháng 9. Dựa theo báo cáo, Triều Tiên được cho là đã cung cấp hàng loạt vũ khí hạng nhẹ cho Eritrea và Cộng hòa Dân chủ Congo, tên lửa không đối không cho Mozambique, hệ thống radar giám sát cho Tanzania.
Theo chuyên gia về Triều Tiên tại đại học Oxford (Anh) Samuel Ramani, mối thân tình giữa Triều Tiên và các nước châu Phi bắt đầu bền chặt từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh khi Bình Nhưỡng hỗ trợ các nước này đào tạo hệ thống quân đội.
Dấu hiệu của sự rạn nứt?
Lực lượng Triều Tiên duyệt binh. (Ảnh minh họa: AFP)
Tuy nhiên, các vụ thử tên lửa ngày càng gia tăng của Triều Tiên được cho là nguyên nhân một số đồng minh dường như đang “rời bỏ” Bình Nhưỡng. Gần đây, Sudan đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Bình Nhưỡng, Uganda đã trục xuất cố vấn quân sự Triều Tiên, áp dụng lệnh trừng phạt của LHQ với Bình Nhưỡng. Tanzania tuyên bố “hạn chế quan hệ ngoại giao với Triều Tiên tới mức tối thiểu”.
Namibia cũng cho biết sẽ dừng mọi hợp đồng ký kết với công ty có liên quan tới Bình Nhưỡng. Angola cho 150 công nhân Triều Tiên hồi hương với lý do hợp đồng của họ đã hết hạn. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Angola Manuel Augusto vẫn khẳng định đây không phải là dấu hiệu Angola cắt đứt quan hệ với Bình Nhưỡng, nhấn mạnh mối quan hệ đồng minh thân thiết trong lịch sử.
Tuy nhiên ông Ramani cho rằng mối quan hệ giữa Triều Tiên và châu Phi không thể dễ dàng sụp đổ dễ dàng. Theo chuyên gia Neville, Triều Tiên không có quá khứ thuộc địa và việc Triều Tiên mạnh mẽ thể hiện quan điểm chống các nước phương Tây dường như là điểm cộng trong mắt các quốc gia châu Phi.
Ngoài ra, chuyên gia này nhận định các nước châu Phi khó từ bỏ các thương vụ làm ăn với Triều Tiên vì không hề có một mối quan hệ ràng buộc về mặt kinh tế giữa các bên, cũng như các thương vụ với Triều Tiên được cho là hoàn toàn không cần giải trình. Điều này dường như đúng, ít nhất là với mặt hàng vũ khí.
Therealtz © VietBF