Đức không phải nước đầu tiên giảm quan hệ với Triều Tiên. Ngoại trưởng Đức yêu cầu Triều Tiên giảm sự hiện diện tại Berlin. Bên cạnh đó, Đức cũng thông báo giảm số nhân viên ngoại giao ở Bình Nhưỡng.
Đại sứ quán Đức tại Bình Nhưỡng, Triều Tiên.
"Chúng tôi đã giảm nhân viên đại sứ quán ở Triều Tiên và sẽ làm vậy một lần nữa", AFP dẫn lời Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel nói ngày 30/11 sau cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson tại Washington.
Theo Ngoại trưởng Gabriel, hai nhân viên đại sứ quán Đức đã rời Triều Tiên, người thứ ba đang chuẩn bị. Đức có thể rút thêm nhân viên ngoại giao nhưng sẽ thực hiện sau tham vấn với các đồng minh châu Âu, trong đó một số nước có phái đoàn ngoại giao tại Triều Tiên.
"Chúng tôi yêu cầu phía Triều Tiên giảm nhân viên tại đại sứ quán của họ. Chúng tôi đang gia tăng áp lực ngoại giao", ông Gabriel cho biết thêm.
Cuộc gặp của hai ngoại trưởng Mỹ, Đức diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Trung Quốc thất bại trong việc thuyết phục nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chấm dứt chương trình hạt nhân và tên lửa.
Ngày 29/11, Heather Nauert, người phát ngôn của ông Tillerson, nói Mỹ muốn đồng minh hành động mạnh tay ở mức triệu hồi đại sứ. Tuy nhiên, bà Nauert cho biết ông Tillerson không đề nghị "rõ ràng" Đức rút đại sứ tại Triều Tiên trong cuộc gặp với ông Gabriel.
Triều Tiên ngày 29/11 phóng thử tên lửa Hwasong-15, tuyên bố tên lửa có khả năng mang "đầu đạn siêu trọng" và tầm bắn bao trùm Mỹ. Cuộc thử nghiệm diễn ra sau hơn hai tháng Triều Tiên không có động thái nào gây chú ý.
Trong phiên họp khẩn của Liên Hợp Quốc cùng ngày, đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley kêu gọi các quốc gia cắt mọi quan hệ với Triều Tiên, trục xuất lao động Triều Tiên. Bà cảnh báo Triều Tiên sẽ bị hủy diệt nếu có chiến tranh.